Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápVai trò của thiền định đối với sự hưng suy của đạo...

Vai trò của thiền định đối với sự hưng suy của đạo Phật

-

Vừa qua, chiều ngày 18/07/2020 (nhằm ngày 28/05 nhuận Canh Tý), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang nhận lời mời của TT. Thích Phước Hạnh – UV HĐTS, Phó Thường trực BTS PG tỉnh Vĩnh Long đã quang lâm hướng dẫn Khóa tu Thiền và thuyết giảng đề tài VAI TRÒ CỦA THIỀN ĐỊNH ĐỐI VỚI SỰ HƯNG SUY CỦA ĐẠO PHẬT tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long).

Buổi Pháp thoại có sự tham dự của Chư tôn đức Tăng, Ni tại các Tự viện trong và ngoài thành phố Vĩnh Long, cùng hơn 1.000 thiền sinh và hơn 1.000 Phật tử xa gần tại các tỉnh miền Tây, miền Đông và TP HCM.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, phần mở đầu Thượng tọa chỉ ra thực trạng hiện tại của đạo Phật và đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc với người nghe trước những trăn trở về tương lai của Phật giáo tại Việt Nam và trên thế giới.

Trước đây, có những thời đại rất nhiều người theo đạo Phật, nhiều chùa được xây dựng nhưng rồi qua giai đoạn đó, đạo Phật suy tàn trở lại. Chùa không ai ở, những đạo khác nổi lên chiếm lấy quần chúng. Chúng ta có từng nghĩ tại sao một tôn giáo mang đến nhiều điều tốt đẹp cho loài người như vậy mà không phải là một tôn giáo mạnh, trong khi những lời dạy của Đức Phật luôn đúng với mọi thời đại.

Theo Thượng tọa, muốn cho đạo Phật được hưng thịnh, chúng ta phải thấy rõ nguyên nhân sâu xa để cố gắng làm lại cho đúng. Cho nên, trong phạm vi bài Pháp thoại này, Thượng tọa phân tích một góc nhỏ nhưng là cốt lõi, đó là “Vai trò của Thiền định đối với sự hưng suy của đạo Phật”.

Trong thời đại hôm nay, chúng sinh càng ít đến chùa vì nhiều yếu tố. Ví dụ như sự cuốn hút của phương tiện kỹ thuật hiện đại, hoặc ngôn ngữ cổ thư bí hiểm khó hiểu trong kinh điển làm mọi người khó tiếp cận với lời Phật dạy (nghĩa lý quá cao siêu trong các kinh điển không phải ai có thể hiểu và áp dụng vào trong cuộc sống của mình được). Cho nên, cái công đức rất lớn của thời đại hôm nay là người nào có thể giúp cho chúng ta hiểu được lời kinh Phật (không hiểu hết đâu, nhưng hiểu những điều căn bản), thực hành được lời kinh Phật có cảm xúc, có hứng thú với Phật pháp và yêu thích đến chùa thì đó là người có công làm cho đạo Phật được hưng thịnh.

Tất cả chúng ta đều có cái bổn phận làm cho đạo Phật được hưng thịnh trở lại. Để được vậy thì chính ta phải có cảm xúc với đạo trước đã. Khi đã có cảm xúc, có lợi ích với đạo thì không ai giữ một mình được mà phải tìm cách truyền đi cho thân quyến, bạn bè, huynh đệ của mình… bằng cách này hay cách kia, cho từng người một, để cho mọi người cũng tìm được cái hứng thú đối với Phật pháp như chúng ta. Người truyền bá Phật pháp rất rộng rãi sẽ được quả báo đời sau rất có duyên với chúng sinh.

Để có cảm xúc với đạo, ta phải trải qua các bước sau: Thứ nhất là hiểu lời Phật dạy cho đúng, thứ hai là có thực hành, thứ ba là có lợi ích và thứ tư là chia sẻ, giáo hóa. Và chính là điều đó làm cho đạo Phật hưng thịnh. Cho nên, việc chia sẻ giáo hóa không phải là của riêng các Thầy mà là của tất cả những ai là đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia.

Nhưng ngay từ bước đầu tiên, tức là hiểu lời Phật dạy cho đúng đã là rất khó khăn. Vì sao vậy? Vì Đức Phật nói bằng ngôn ngữ của Ngài, Vua A Dục ghi chép lại bằng ngôn ngữ Pali, chữ Pali được dịch sang chữ Nho, chữ Nho dịch sang tiếng Việt… Thế là qua hàng rào ngôn ngữ, qua hàng rào thời gian bao nhiêu nghìn năm, không phải ai cũng hiểu đúng lời Phật dạy nữa. Đây là một thử thách rất lớn.

Vậy làm sao ta hiểu lời Phật dạy trực tiếp từ tâm Phật đến tâm mình, còn ngôn ngữ trong kinh chỉ là gợi ý thôi. Cái khó như vậy. Ở đây ta có cái tam giác.

Hãy hình dung có một hình tam giác, đỉnh cao nhất là lời Phật dạy; một góc tam giác là Kinh điển được viết lại; một góc còn lại là tâm ta, sức hiểu của ta. Kinh điển chỉ là một góc của tam giác thôi chứ không trực tiếp là ý Phật (thường ta hay nhìn qua cái góc tam giác bên kia là dựa vào Kinh điển chứ ta không chịu nhìn thẳng lên cái góc đỉnh tam giác là tâm của Phật, ý của Phật thật sự là gì? Cho nên ta cứ mày mò từng chữ từng nghĩa). Kinh chỉ là Kinh thôi.

Cái trực tiếp ý của Phật và trực tiếp vào tâm của ta nó là một sợi liên kết “tâm linh vô hình”, không lệ thuộc vào Kinh điển nhưng không rời kinh điển, vì đó là một tam giác liên kết chặt với nhau không được rời nhau. Ta không được nói rằng “tôi hiểu được trực tiếp ý Phật, không cần Kinh”. Không cần Kinh! không có chuyện một cái tam giác bỏ mất cái góc kia. Và cũng không được nói rằng: tôi dựa vào các Kinh điển này là chắc ăn, rồi quên mất một sự liên kết vô hình tâm linh từ nơi tâm Phật đến tâm ta. Nên cái tam giác này là một tam giác về mầu nhiệm, nghĩa lý. Và cái tam giác này không bao giờ được bẻ gãy một liên kết nào cả.

Muốn thông được cái tâm của Phật đến tâm của ta thì hãy lễ Phật thành kính tha thiết. Mỗi ngày ta lễ Phật giống như người con đến chào cha mình bằng tất cả sự kính trọng. Cha ngồi đó như một Người sống chứ không phải một bức tượng khô khan, trong đó đầy đủ cả tình yêu thương của người Cha đối với người con, và mình có đầy đủ cái lòng thành kính thương yêu của người con đối với người Cha. Nhiều năm lễ Phật được như vậy thì cái liên kết giữa cái góc tam giác đỉnh cao với cái tâm của ta bắt đầu hình thành. Từ đó ta vẫn bám theo lời Kinh nhưng được bắt thêm nhịp cầu tâm linh giữa tâm mình với tâm Phật. Để rồi ta hiểu được lời Phật dạy rất chuẩn xác, vượt qua rào cản của ngôn ngữ và thời gian.

Nhờ hiểu đúng lời Phật dạy rồi, ta bắt đầu thực hành đúng. Và cái thực hành đúng này là những điều mầu nhiệm, tức thực hành tới đâu hạnh phúc tới đó. Ví dụ, khi ta thực hành hạnh bố thí dù không nhiều nhưng ngay đó trong tâm mình xuất hiện một niềm vui cao thượng. Đó là: hiểu lời Phật dạy, thực hành lời Phật dạy và được lợi ích, nó đi liền với nhau như vậy. Và khi ta thực hành có lợi ích rồi thì cảm xúc, sự hứng thú đối với đạo ngày càng tăng, vì mỗi lời Phật dạy là một bài học cuộc sống quý báu, nên buộc ta phải chia sẻ cho mọi người.

Đạo lý của Phật trong các tạng Kinh là mênh mông, lý giải mãi vẫn không hết nổi nhưng có một vài điểm căn bản sau như cái lõi mà ta phải giữ gìn: Thứ nhất là Luật nhân quả. Thứ hai là mục tiêu vô ngã. Đây là ta nắm cái căn bản và đỉnh cao (là thấp nhất và cao nhất), là yên tâm đi trên con đường chánh đạo. Tu theo đạo Phật mà mình không hướng về mục tiêu vô ngã thì dễ bị lạc. Nếu người tu không còn cảm xúc, không hiểu nổi về vô ngã, không hướng về, không thực hành vô ngã thì sẽ không truyền bá và đạo Phật suy tàn luôn. Đây là bài toán khó nhất trong việc tu hành và truyền bá đạo Phật. Người có thiện căn thì dù không hiểu do vô ngã quá cao, quá trừu tượng nhưng lòng luôn hướng về.

Tuy không hiểu nhưng do đâu mà ta chấp nhận để hướng về tu tập? Là do ta thường xuyên lễ Phật với lòng thành kính, đó là ta liên kết được giữa tâm ta với tâm Phật, nên ta được cái công đức tin chắc hướng về mục tiêu cao thượng trong đạo Phật là vô ngã. Dù ta không hiểu hết về nó, nhưng đó là cái đích tối thượng của sự giác ngộ trong đạo Phật nên quyết tâm hướng về để tu tập. Đây là một loại chúng sinh ở một đẳng cấp khác có thiện căn rất lớn mới có thể chấp nhận được điều này. Còn ở giữa như: giới – định – tuệ; bố thí; trì giới; nhẫn nhục; tinh tấn; thiền định, …từ từ ta tiến tu.

Có mục tiêu vô ngã này, dù làm gì ta cũng không chấp công; dù đạo đức cao đến mấy ta vẫn thấy mình tầm thường; dù nhập định rất sâu ta vẫn thấy mình chỉ là cỏ rác dưới chân Phật. Dần dần, ta thấy kết quả đầu tiên hiện ra của mục tiêu vô ngã là sự khiêm hạ. Người nào có đạo đức này thì biết rằng mình đang đi trên con đường hướng về vô ngã.

Cảm xúc với đạo còn đến từ sự thực hành, trong đó có thực hành thiền định. Có thể nói, thiền định là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh Phật pháp. Tu thiền đúng thì lợi ích hiện ra hàng ngày, vì có lợi ích nên ta có cảm xúc, có hứng thú với đạo và bắt đầu chia sẻ. Nên nói thiền định tạo nên nguồn cảm xúc vô biên đối với đạo. Tu thiền hướng về mục tiêu vô ngã là đang làm cho phật pháp hưng thịnh trở lại. Do vậy người tu được công đức rất lớn.

Thời đại này người trẻ ít đến chùa vì công nghệ thông tin đã quá hấp dẫn. Cho nên để giáo hóa chúng sinh, người xuất gia phải nâng cấp mình trên nhiều lĩnh vực. Càng nâng cấp càng tu tốt vì vô ngã, không thấy mình là gì. Ngoài ra, người xuất gia còn là tấm gương đạo hạnh sống động cho chúng sinh cảm thấy xúc động.

Do vậy, ngoài Kinh điển thì vai trò của các vị sư lỗi lạc, những bậc chân tu chân chính (đạo hạnh, mẫu mực) cũng rất quan trọng. Nhưng nếu vị chân tu tầm thường quá thì không chia sẻ, tương ưng, hỗ trợ cho chúng sinh được. Chúng ta cần vị chân tu đủ năng lực để tạo nên sự giáo hóa tương ưng, đồng đều với chúng sinh. Điều này cho thấy, trong một ngôi chùa, vai trò của Tăng Ni tu hành rất quan trọng.

Chỉ bởi Phật tử đến chùa đông là dấu hiệu đạo Phật hưng thịnh, được xã hội đón nhận yêu quý, cũng là thước đo giá trị của chùa đó, và cũng là danh dự chung của Phật giáo. Phật tử đến chùa đông chứng tỏ Phật giáo đã trở thành nếp sống tinh thần, thu hút được đông đảo mọi người.

Cuối cùng Thượng tọa xác định rằng: dù đang đi trên con đường hướng về vô ngã, nhưng cái nền tảng quan trọng nhất vẫn là lòng thương kính Phật. Tu theo tôn giáo nào thì ta phải tôn kính Bậc tối thượng của tôn giáo đó, và hiểu được giáo lí, thực hành sâu. Vậy mới vững vàng trước mọi sự cám dỗ, chống phá bên ngoài được.

Kết lại, trong bài Pháp thoại này, Thượng tọa đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến đạo Phật suy yếu để cùng nhau suy nghĩ và tìm ra phương pháp tu hành cho đúng, bởi đi đúng đường thì kết quả tu hành hiện ra liền, trong đó người đệ tử Phật phải nhiếp tâm được trong Thiền định, dùng cái sức của thiền để tạo nên vô lượng công đức, phụng sự cho đời, cho đạo, nhằm góp phần làm cho đạo Phật mạnh trở lại.

Bao năm tu hành và giáo hóa, Thượng toạ luôn có một khát vọng mong muốn đạo Phật được tiến bộ, phát triển nên Người sẳn sàng cống hiến với đôi bàn tay không nắm lại từ tinh thần, trí tuệ đến vật chất, để góp phần cùng với các chùa, với Giáo hội làm nên những Phật sự thật ý nghĩa. Luôn mong muốn chùa nào cũng phải là một điểm đến tâm linh tốt đẹp, thu hút mọi người tìm về.

Với tâm nguyện đó, Thượng toạ còn là Người “Tiếp lửa yêu thương, lan tỏa cống hiến” cho giới trẻ đến chùa. Cho nên, Phật tử trẻ khắp nơi cũng vào cuộc nhiệt tình năng nổ, góp một phần sức trẻ để cống hiến cho đạo pháp, cho đất nước.

Tóm lại, để đạo Phật thực sự có cơ hội phát triển rực rỡ như thời Đức Phật xưa thì người đệ tử Phật vừa tu hành đúng đường, vừa giúp cho nhiều người cùng tu…tất cả tích cực làm phước để đóng góp vào cái phước chung làm cho đạo Phật trở nên hưng thịnh. Đây cũng là cách chúng ta đền ơn Chư Phật, Chư Bồ tát đúng với chánh Pháp, khiến ta không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất