Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻVọng tưởng - Thiền 11

Vọng tưởng – Thiền 11

-

Thiền 11 – Vọng tưởng

Ta cần hiểu vài điều về vọng tưởng cho kỹ. Vọng tưởng có nhiều loại:

– vọng tưởng căn bản là sự suy nghĩ cố ý chủ động của chúng ta. Ta có rất nhiều việc phải lo toan, xử lý, tính toán nên ta phải suy nghĩ. Sự suy nghĩ đó như là đại diện của ta, như chính là ta, là giá trị của ta, và sẽ theo ta mãi cho đến khi ta nhập Nhị thiền. Chỉ có điều khác là từ phàm phu đến Nhị thiền thì cái suy nghĩ đó yếu dần yếu dần.

Ở giai đoạn Sơ thiền, cái suy nghĩ đó yếu đến nổi ta tưởng nó hết rồi, nhưng thật ra nó vẫn còn rất thầm kín, mà kinh gọi là Tầm Tứ. Đối với người tu hành, nếu không phải là suy nghĩ để tính toán, lo toan công việc, thì thường là suy nghĩ về đạo lý tu hành. Cái đạo lý tu hành này, nếu đúng đắn, đã từng là bệ phóng đưa ta đi trên con đường Phật Pháp. Nhưng bây giờ, khi đã có Sức tỉnh giác, thì cái suy nghĩ đạo lý đó cũng không cần nữa.

Vì sao không cần phải suy nghĩ đạo lý tu hành nữa? Bởi vì đạo lý tu hành đã trở thành bản chất tâm hồn ta, qua nhiều năm tháng tư duy và hành động rồi. Bây giờ không cần suy nghĩ nữa kẻo tâm cứ động hoài không vào định được.

Sau nhiều năm tháng tư duy và hành động theo đạo lý chân chính, đạo lý đã trở thành Phước lực để biến thành Sức tỉnh giác rồi.

– loại vọng tưởng thứ hai là do những cái ta tiếp thu bên ngoài đưa vào tâm, các hình ảnh âm thanh, bây giờ nó tái hiện lại ngoài chủ ý của ta. Ta không muốn, nó vẫn khởi. Có khi ta gạt nó đi, có khi nó dẫn ta đi rất lâu mới giật mình quay lại. Các bài nhạc, các buổi chuyện trò, các đoạn phim, các biển quảng cáo, các trò chơi tập thể, các loại hưởng thụ thấp hèn… đều là nguồn tạo ra vọng tưởng này.

– loại vọng tưởng do tình cảm thương ghét tạo ra nữa. Tình cảm có sức mạnh, mạnh hơn lý trí, nên hay thúc đẩy tâm ta khởi lên ý nghĩ quay quắt miên man mãi. Ta cần rất nhiều đạo lý tu hành chân chính để diệt trừ những tình cảm thương ghét tầm thường ẩn dấu sâu xa bên trong, giúp cho tâm bớt bị vọng tưởng loại này.

– loại vọng tưởng do bản năng nữa. Bản năng thì cực mạnh. Ví dụ khi đói, ta chỉ chăm chăm suy nghĩ tìm miếng ăn. Ví dụ khi hận thù, ta chỉ chăm chăm suy nghĩ tìm cách trả thù. Ví dụ khi tự ái, ta chỉ chăm chăm suy nghĩ tìm cách phản ứng cho bõ ghét…

– loại vọng tưởng do Nghiệp nữa. Khi ta nặng nghiệp thì tâm ta buộc phải động loạn. Không có chuyện gì mà vọng tưởng cứ phải khởi. Loại vọng tưởng do Nghiệp này có vẻ rất chủ động cố ý. Đó là lý do ta thấy người bệnh tâm thần nói rất hung hăng mạnh bạo (Ngũ ấm xí thạnh).

Khi ta tu tập thiền định mà đủ hai yếu tố, DỤNG CÔNG ĐÚNG PHƯƠNG PHÁP, với CÔNG ĐỨC SÂU DÀY, thì Sức tỉnh giác xuất hiện. Sức tỉnh giác này sẽ cạnh tranh với các loại vọng tưởng ở trên, cũng rất vất vả, cũng mất thời gian, mới thắng dần vọng tưởng.

Nếu ta thấy vọng tưởng mạnh, thì coi lại cách dụng công, nhất là xem tâm có bị rời khỏi da thịt không. Tâm lúc nào cũng phải bám sát da thịt không cho rời khỏi một phân nào.

Tâm bám sát da thịt rồi thì xem lại hơi thở. Có thể chủ động thở theo Âm dương khí công cũng tốt. Hít vào ít, hơi thở tự để giữ yên lại chút, rồi thở ra chậm chậm dài gấp ba bốn lần hít vào.

Trong đời sống thì phải tìm cách cống hiến phụng sự tử tế hết mực, nhất là giúp mọi người biết về đạo lý tu hành. Còn công phu lễ kính Phật mỗi ngày thì xem như là thức ăn không thể thiếu. Thường tác ý cầu xin sám hối nghiệp xa xưa từ vô lượng kiếp.

SP

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất