Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Khóa hè 2016: Hiếu kính cha mẹ

-

Chữ “Hiếu” là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, mà nhà Nho Mạnh Tử đã nói một cách gắt gao rằng: “Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người”. Hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận, là trách nhiệm, là đạo đức làm người. Từ bé ai cũng được dạy phải hiếu thảo với cha mẹ, bài học về lòng hiếu thảo ta đã được nghe rất nhiều lần, nhưng đã mấy ai thực hiện bổn phận đó một cách trọn vẹn. Các em học sinh khóa hè đa phần là những trẻ ngoan, nhưng thực sự đã là những người con hiếu thảo chưa? Câu hỏi này ngay cả các em cũng khó có lời đáp. Bởi vậy, khơi gợi, nuôi dưỡng lòng hiếu thảo để các em nhận thức sâu sâu sắc bổn phận làm con là điều mà khóa học hè nhắm đến.

Chủ đề giáo lý Hiếu kính cha mẹ năm nào cũng mang lại cho các em nhiều cảm xúc, nhiều tâm trạng. Nói về chủ đề cũ, nhưng năm nay Sư Cô Thành Thái đã chia sẻ với các em ở một góc nhìn mới, đưa các em tới cảm xúc mới.

Hình 1

Mở đầu là những câu chuyện cảm động về người cha của Cô, người cha đã nghiêm khắc dạy Cô những bài học làm người, người cha đã vất vả mưu sinh để nuôi anh em Cô, và người cha ấy đã mất vì căn bệnh ung thư. Ngay cả khi trút hơi thở cuối cùng trong sự đau đớn của thân xác, người cha vẫn dành chút tâm sức cuối cùng còn lại để nhắn nhủ với con gái lời cuối: “Ba yêu con nhiều lắm…”

Hình 2

Tình cảm và những ký ức về người cha yêu thương được Cô kể lại trong niềm xúc động nghẹn ngào đã lan truyền cảm xúc sang các em. Niềm xúc động đã hiện rõ trong từng ánh mắt, từng khuôn mặt, những cái đầu gục mặt xuống bàn, những cặp mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt chảy dài… Cô đã chạm vào trái tim, đã khơi dậy tình cảm thiêng liêng nhất trong lòng các em –TÌNH MẪU TỬ.

Hình 3

Để nói về mẹ, cô cho các xem clip cảm động ý nghĩa về tình yêu thương của người mẹ nghèo dành cho con trai của mình.

Hình 4

Tiếp theo, Cô Thành Thái đọc cho các em nghe bức thư của một người cha gửi con trai nói về tình yêu của mẹ với giọng đọc truyền cảm. Vì mẹ thương yêu các con trong thầm lặng mà chẳng bao giờ kể công, bức thư này đã giúp các em hiểu được những điều mà mẹ chưa từng kể:

 Khi con còn nằm trong bụng mẹ, mẹ yêu con bằng cách cố ăn thật nhiều, thật nhiều. Từ một người khoảnh ăn, mỗi bữa chỉ vài thìa cơm, mẹ đã “liều mình” ăn tất cả những thứ gì mẹ cho là sẽ tốt cho con. ..

Khi con đến tuổi tập đi, mẹ yêu con bằng cách dõi theo mỗi bước con chập chững. Mẹ để mắt đến con trong từng khắc, từng khắc thời gian của mẹ. Mẹ làm bếp nhưng không nhìn vào bếp mà luôn ngóng chừng xem con đang lẫm chẫm chỗ nào. Mẹ mơ ngủ vẫn còn gọi: Con ơi, cẩn thận nào!

Khi con chuẩn bị đi học tiểu học, mẹ đã yêu con theo cách, mỗi buổi trưa dù trời nắng gắt chói chang, mẹ vẫn băm bổ vào các trường tiểu học mà mẹ nghe nói là tốt để xem xét. Mẹ vào khu nhà vệ sinh, mẹ vào nhà bếp, mẹ xem phòng ngủ. Tất cả những gì liên quan đến những hoạt động của con ở trường học…

Khi con chia tay bố mẹ để đi học xa nhà, mẹ đã yêu con bằng cách mua sắm cho con tất cả những thứ mà mẹ thấy con cần. Thậm chí nếu có thể gói ghém được cả ngôi nhà vào trong hành lý của con, mẹ cũng làm. Và ngày con đi, nước mắt mẹ không lúc nào ngừng rơi. Mẹ cứ lẩn mẩn, đi ra đi vào, nước mắt dài như nỗi buồn. Mẹ ôm con, thơm lên từng mi li mét da thịt con, không dời, không dứt…

 

Hình 5

Tình thương của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ nhưng âm thầm lặng lẽ, mỗi người thương con theo cách riêng của mình, dù theo cách nào thì tất cả đều là sự hy sinh vì con, nhưng con cái nhiều khi vô tâm, ích kỷ không nhận ra để rồi hờn trách, oán hận khiến cha mẹ buồn tủi và chính người con đó sẽ có ngày đau khổ vì ân hận.

Trường cảm xúc rưng rưng được nối tiếp với những chia sẻ của chính các em về cha về mẹ của mình. Các em đã hờn trách cha mẹ vì điều gì, đã hối hận ra sao, đã cảm nhận được gì từ tình cảm của cha mẹ đều được chân thành chia sẻ. Có những lời chia sẻ không thành tiếng bởi tiếng khóc nghẹn ngào…

Hình 6

Dưới đây là một số tâm sự được ghi lại:

Một lời xin lỗi dành cho mẹ: Con thương mẹ nhiều lắm, đôi khi con bệnh, mẹ thức trắng cả đêm để lo cho con từng miếng cháo, từng ly sữa, con rất là hổ thẹn khi con làm điều sai trái, con đã nói dối mẹ trốn đi chơi game cùng đám bạn, con thấy con sai và mẹ đã tha thứ cho con, con cảm ơn mẹ.

Một bạn khác nhớ về sự hy sinh của cha mẹ: Có lần con đi sinh nhật bạn, con hứa 7 giờ về nhưng 9 h con mới về. Trong 2 tiếng đồng hồ, bố chạy xe đi tìm con khắp nơi. Khi con về, bố vẫn chưa về, con rất lo. Khi về, bố nhìn con rất buồn. Có lần con bị sốt, nửa đêm rồi bố còn chạy xe ra tiệm mua thuốc cho con. Còn mẹ, đã bao lâu rồi mẹ chưa có áo mới, những khi con cần là mẹ mua cho con ngay. Mẹ không quan tâm mình có áo mới hay không, con hỏi thì mẹ nói mẹ mặc áo cũ được rồi…

Hình 7

 

Một người con ngang bướng không nhìn thấy lỗi của mình, đến giờ phút này em mới nhận ra và vô cùng hối hận:

Từ nhỏ tới giờ ba mẹ khổ với con nhiều lắm, con không thích ăn gì là con phun ra. Ba đánh con, con không biết gì hết, chỉ biết khóc. Lớn lên ba cũng ép con ăn, ba nói tuổi con là tuổi ăn tuổi học, phải ăn cho nhiều. Con không nghe lời ba, con chỉ ăn gì mình thích. Ba đánh con, con hận ba, con ghét ba. Khi lớn lên, con sai, ba không đánh con, ba nhìn con, ba buồn lắm, ba nói con lớn rồi, ba mong con tự sửa lỗi, ba không muốn đánh con nữa. Nhưng con không nghĩ là con sai, con luôn cho mình đúng, con chỉ biết là ba sai thôi… Nói đến đây thì giọng em đã nghẹn đi, có lẽ giờ đây con gái mới nhận ra mình đã làm khổ cha mẹ mình nhiều quá.

Hình 8

Một bạn nam thiếu may mắn hơn khi em không có được tình thương của mẹ, em oán trách cha, nhưng rồi em cũng nhận ra có cha là điều quí giá:

Mẹ con mất, ba lấy vợ khác, khi lớn lên con thấy người ta có mẹ ruột, sao con không có, mà lại có mẹ kế. Ba nói gia đình phải thương yêu nhau, dù mẹ không đẻ ra con nhưng có công nuôi con lớn thì phải biết trân trọng. Rồi một ngày ba đi bệnh viện, bác sĩ nói ba bị bệnh sỏi, con sợ ba bệnh lại ra đi như mẹ. Giờ con mới hiểu gia đình là hạnh phúc…

Hình 9

Một bạn khác mang nỗi oán hận mẹ, để rồi vào khóa sinh hoạt hè, em kịp nhận ra mình đã phũ phàng với mẹ, mình đã sai:

Ba mất khi con chưa biết mặt ba. Mẹ còn trẻ, cô xin con về nuôi để mẹ đi bước nữa. Mẹ ở miền Bắc, con ở miền Trung, 6 năm rồi con chưa gặp mẹ. Con hận mẹ, chưa bao giờ con gọi cho mẹ. Hè này mẹ gọi cho con nói mẹ sẽ về, con nói mẹ đừng vào, con không nhớ mẹ, rồi con con cúp máy. Lúc đó con không nghĩ là mẹ buồn, mà nghĩ đáng đời mẹ, giờ con mới thấy hối hận…

Hình 10

Còn rất nhiều những tâm sự khác nữa, tâm sự nào cũng thấm đẫm nước mắt của các em, những tiếng khóc nức nở, tức tưởi vì niềm hối hận. Những bạn nam tưởng rằng khô khan, vậy mà trong buổi học lại là những người tâm sự nhiều nhất. Thực sự các em luôn cần lắm tình yêu thương của cha mẹ. Tình mẫu tử bao giờ cũng là tình cảm đáng trân trọng mà mỗi người cần được nâng niu giữ gìn.

Hình 11

Cuộc đời vốn vô thường, lòng hiếu không nên chỉ dừng lại ở sự ăn năn hối hận, không cần chờ đợi mà ngay từ bây giờ hãy báo hiếu cho cha mẹ bằng những hành động cụ thể. Giáo thọ dành nhiều thời gian của buổi học để các em trao đổi, tự đưa ra những ý kiến kể về những việc làm thiết thực nhất để thể hiện lòng hiếu với cha mẹ. Mỗi ý kiến đều được cô phân tích rất sâu sắc để các em hiểu được ý nghĩa của mỗi hành động. Dưới đây là những ý kiến của các em về những việc mình sẽ làm cho cha mẹ sau khóa học:

–         Khi về nhà con sẽ nói rằng: con yêu mẹ nhiều lắm, con sẽ giúp mẹ những việc mà trước đây con chưa bao giờ làm.

–         Rèn luyện đạo đức, không cãi lời cha mẹ, nghe lời cha mẹ

–         Dành thời gian ở nhà tâm sự với ba mẹ, làm cho ba mẹ cười.

–         Chăm sóc ngược lại ba mẹ: gắp thức ăn cha cha mẹ, đấm bóp khi cha mẹ mệt.

–         Làm nhiều công đức để hồi hướng cho ba mẹ.

Có những ý kiến rất sâu sắc, các em đã biết được cách báo hiếu lớn nhất, đem lại phước báo lâu dài cho cha mẹ là giúp cha mẹ biết Phật Pháp, tin hiểu Nhân quả, như 2 ý kiến dưới đây:

–         Con sẽ cầu Phật gia hộ cho ba mẹ được khỏe mạnh, được biết đến Phật Pháp, biết làm việc thiện.

–          Trong tương lai chúng ta phải trở thành người đạo đức, biết đưa Phật Pháp đến những vùng sâu vùng xa, đưa băng giảng của Sư Phụ để nhiều người biết đến Phật Pháp, ba mẹ sẽ tự hào vì có người con có ích cho Đất nước.

Hình 12

Những hành động hiếu thảo với cha mẹ thì quả báo tốt lành sẽ đến với bản thân các em như:

  1. 1.     Sau này làm cha làm mẹ cũng được con cái vâng lời trở lại
  2. 2.     Đạt được thành công trong cuộc sống, bớt lầm lỗi
  3. 3.     Thành tựu đạo đức
  4. 4.     Được chư Thiên yêu mến, gia hộ
  5. 5.     Có được công ăn việc làm như ý

Ngược lại những hành động bất hiếu sẽ nhận những quả báo đau khổ, dù ba mẹ không trách mắng, vẫn một lòng bao dung tha thứ cho con, nhưng luật Nhân quả thì công bằng, cửa địa ngục sẽ mở ra với những ai ngang bướng, không nghe lời, làm những việc khiến cha mẹ phải đau khổ.

Có thể bản thân các em chưa hiểu hết những điều Nhân quả như các em đã nói trên, nhưng một điều đáng mừng là các em đã nhận thức được luật Nhân quả chi phối những điều phúc tội trong từng hành động có hiếu hay bất hiếu với mẹ cha. Dần dần, những kiến thức đó sẽ thấm sâu vào tâm thức các em, để các em ngày càng sống đúng đạo lý hơn, ít phạm sai lầm, biết thương yêu và phụng dưỡng cha mẹ với lòng biết ơn sâu nặng cho trọn đạo làm con, không gây đau khổ cho cha mẹ hay bất kỳ người nào. Hơn nữa, khi mỗi thành viên trong gia đình biết sống đúng đạo lý, thì chắc chắn đó là một gia đình hạnh phúc, góp phần làm giàu mạnh cho quê hương, đất nước.

Hình 13

Kết thúc buổi học là khoảng thời gian các em viết thư gửi những tâm sự, những lời yêu thương tới cha mẹ của mình. Những bức thư ấy sẽ được Ban Tổ Chức gửi về gia đình để thay cho lời xin lỗi, lời cảm ơn của những đứa con thơ dại gửi đến cha mẹ mình.

Hình ảnh xúc động trong buổi học giáo lý “Hiếu kính cha mẹ”:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất