Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

-

Như thường lệ, hàng tháng tại Chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An) đều tổ chức KHÓA TĨNH TU. Lần này Khóa tu diễn ra từ ngày 17 – 19/06/ (nhằm ngày 13 – 15/05/ Bính thân), đã thu hút sự tham gia của hơn 500 phật tử trong và ngoài tỉnh, trong đó còn có sự tham gia của Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Hà Nội; Hà Tĩnh; Nghệ An; Thanh Hoá; Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Chúng thanh niên Phật tử chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh).

 Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Đến với Khóa tu, các phật tử có cơ hội tĩnh tâm, học đạo lý, rèn luyện thể lực, hoàn thiện nhân cách và tạo nên sự gắn bó trong tình làng nghĩa xóm thông qua tình bạn đạo. Đặc biệt, chùa là nơi giáo dục thanh thiếu niên tại địa phương rất tốt. Mỗi tối các em học sinh gần chùa hay chạy qua chùa Viên Quang tham dự khoá lễ tụng kinh, ngồi thiền, học võ.

Tại chùa Viên Quang có đào tạo một lớp võ Phật Quang Quyền dành cho thanh thiếu niên nơi này. Mỗi buổi chiều quý thầy đều dạy võ thuật cho các em. Đến với lớp võ, các em được rèn luyện tính kỷ luật thật nghiêm (tác phong nhanh nhẹn, đúng giờ, biết vâng lời). Đây là một yếu tố quyết định cho sự thành công trong cuộc sống sau này của các em.

Khoá tĩnh tu được tổ chức hàng tháng, và bắt đầu từ 6h30” tối ngày thứ sáu cho đến 13h00” trưa của ngày chủ nhật. Tuy rằng tu Thiền rất khó, nhưng ngày nay rất nhiều người yêu thích tu Thiền, đặc biệt là giới tri thức trẻ, bao gồm các doanh nhân, sinh viên, học sinh. Cho nên khóa tu tại chùa Viên Quang ngày càng đông, đã thu hút một lượng lớn đủ tầng lớp phật tử tham gia. Đó là những dấu hiệu tốt cho sự phát triển của Phật giáo Nghệ An.

Chương trình khoá tu diễn ra nghiêm túc theo từng thời khoá như: Lễ Phật, sám hối, toạ thiền, kinh hành, tham vấn, học giáo lý, rèn luyện sức khoẻ, thuyết Pháp. Các Khoá sinh đều tuân thủ thời khóa và tham dự vào tất cả những sinh hoạt của đại chúng.

 Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Để có thể tham gia khóa tu, hầu như ai ai cũng đều tận dụng hết mức thời gian cho phép của mình sau khi tạm gát công việc hàng ngày, hoặc tranh thủ vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ phép thường niên để tham gia thực tập thiền định, thúc liễm thân tâm dưới sự hướng dẫn của quí thầy tại Bổn tự.

Với một giáo trình thực hành Thiền rất căn bản, rất chuẩn sẽ giúp cho người dù có nhiều thời gian hay ít hơn đều thực tập được dễ dàng hiệu quả. Nhìn cả một hội chúng ngồi Thiền tư thế trang nghiêm, vững chãi, đẹp khoan thai, khuôn mặt ai cũng từ hòa… điều này đã phản ảnh phần nào đời sống chánh hạnh của người phật tử. Trong một xã hội bận rộn mà nếu chúng ta được ngồi Thiền mỗi ngày thì đó là một phước duyên, chứ không phải dễ.

Tuy nhiên, số lượng phật tử đến chùa đông nhất vẫn là những khi khoá tu có sự hướng dẫn Thiền và thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang. Ai nấy đều khát khao chờ đến dịp Người đi du hoá tại miền Bắc thỉnh thoảng ghé thăm chùa và phật tử nơi này.

Trên tinh thần đó, buổi thuyết Pháp này có trên 1500 người tham dự, trong đó có hơn 700 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang các tỉnh thành miền Bắc và 33 Chúng thanh niên Phật tử chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh) do ĐĐ Thích Ngộ Lực (đệ tử của TT.TS Thích Nhật Từ) dẫn đoàn cùng tham dự Khoá tĩnh tu tại chùa Viên Quang (Nghệ An) và tham gia Thiền Biển 2016 với chủ đề VÌ MỘT THẾ GIỚI KHÔNG RÁC do Đạo tràng Phật An và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang tổ chức.

 Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Đi vào nội dung chính của bài Pháp thoại, Thượng toạ đặt vấn đề TU LÀ GÌ.

Người đã đưa ra một quan điểm mới: Tu là đếm tội và phước, tức mình làm điều gì thành tội, hay thành phước. Người biết tu là người có trí tuệ, biết tránh được tội và làm được nhiều điều phước.

Theo đó, Thượng toạ định nghĩa thế nào thì thành tội và thế nào thì thành phước? Câu trả lời chính xác: Ta làm cho người khác bận tâm thì đó là tội; ngược lại ta làm cho người khác yên tâm thì đó là phước.

Nhưng để cho người khác bận tâm là làm chuyện gì? Thượng toạ dùng vài ví dụ minh chứng cho mọi người hiểu rõ điều này, qua đó nhấn mạnh trong cuộc sống có những điều mình không cố ý, nhưng vẫn làm người khác bận tâm, và vô tình thành tội mà mình không hay. Cho nên, ta thấy điều tội; điều phước nó đan xen, không dễ kết luận một chiều; Có khi việc đó làm người này yên tâm, nhưng cũng việc đó lại khiến người khác bất an.

Thường người có tâm ác độc thì mới làm nên điều tội, họ ác thì mới làm cho người khác đau khổ bất an. Nhưng có trường hợp tâm mình rất lành, mình không hề ác độc, vậy mà có nhiều việc chút chút mình cũng làm cho người khác bất an chứ không phải là không. Vì vậy để phân định tội hay phước trên cuộc đời này là cực kỳ phức tạp. Nên suốt đời người biết tu, chúng ta cứ cân đo đong đếm chuyện mình làm như vậy người khác sẽ bất an hay yên ổn mà thôi. 

Nhân đây, Thượng toạ cảnh báo, khi một người phát tâm tu cho tới khi tu hoàn chỉnh, hoàn hảo, viên mãn, họ cũng tiếp tục tạo rất nhiều lỗi lầm chứ không phải nói phát tâm tu là người đó đã xong việc…mới vừa muốn tu là đã thành Thánh ngay được. Chúng ta muốn tu là một chuyện, nhưng không phải ngay đó đã hết lỗi lầm, nên việc tu rất là khó. Việc tu khó như vậy mà nếu ta giải đãi, không tinh tấn thì không bao giờ xong được cả. Nếu mỗi ngày tại nhà ta không lễ Phật, không tụng kinh, không ngồi thiền thì vĩnh viễn chẳng bao giờ ta có thể thành tựu được sự nghiệp tu hành mà hết lỗi lầm được. Ta cứ phạm hết lỗi này tới lỗi kia và tội cứ chồng chất mãi, mình cứ gây cho mọi người điều bất an.

Nếu cả cuộc đời này ta tích lũy nhiều tội thì kết quả ta chết một cách đau khổ vất vả, chết xong rồi đọa luôn vào ác đạo, đọa vào súc sinh bị người ta giết hại trở lại. Ví dụ vấn đề ăn thịt (sát sinh), luật pháp không cấm – không bắt, nhưng mỗi một miếng thịt, mỗi một nhát cắt, mỗi một vết dao đâm vào con vật đều tính sổ lại để giành đó cả. Và có ngày ta phải đền trả, vì không có gì mất đi, tất cả đều công bằng, đều bồi trả lại hết. Trong cuộc sống này vậy, người có trí tuệ đều lo đếm tội và phước, biết cân nhắc điều gì làm nên tội hay phước. Có những trường hợp làm tội 1 nhưng phước thành 10; ngược lại có những trường hợp làm phước 1 mà tội là 10.

Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Đa phần khi ta làm hại người thì là điều tội, ta giúp người là điều phước. Do đó người đệ tử Phật trong suốt cuộc đời của mình luôn cố gắng giúp đỡ mọi người, đó là ta luôn tích lũy điều phúc. Mỗi ngày, chúng ta có rất nhiều nhu cầu (ăn, uống, ngủ, nghĩ, mua sắm, v.v…), nhưng trong ngày đó ta giúp gì cho cuộc đời? Đây là vấn đề mà chúng sinh quên đếm. Mọi người bị cái lỗi này rất nặng…tất cả chúng sinh đều bị lỗi quên đếm tội và phước trong cuộc đời của mình, nhất là những người lớn tuổi, những người giàu có.

Chẳng hạn, người sinh ra trong gia đình giàu có, từ khi còn nhỏ đã đầy đủ miếng ăn, miếng mặc, nên không bao giờ thắc mắc cái ăn cái mặc này ở đâu tới, và xem việc ăn mặc là điều tự nhiên của cuộc sống mà bố mẹ phải lo cho mình, cuộc đời phải lo cho mình; trong đầu không bao giờ nghĩ đến việc ta phải sống như thế nào để bù đắp, đền đáp lại cái mà mình ăn mặc từng ngày. Người giàu và người già thường bị điều này. Người già không biết Phật pháp hay bị tâm lý hễ mình còn sống ngày nào là cuộc đời phải cho mình ăn, và xem ăn như là quyền tự nhiên phải có. Trong thực tế, mỗi một miếng ăn, mỗi một ly nước mình dùng đều tính thành nhân quả cả. Trong Luật Nhân Quả, trong tội phước thì ta không cần ăn gì trả tiền đó, nhưng đòi hỏi trong một ngày ta ăn thì ta làm điều gì để cống hiến, để có lợi cho cuộc đời này hay không. 

Có những người nhiều khi sống rất chuẩn mực, rất đạo đức và trong suốt cuộc đời đi làm việc cũng có đóng góp cho đất nước, cho xã hội. Đến khi nghỉ hưu thì hưởng tiền lương hưu mà sống và nghĩ điều đó bình thường. Đâu ngờ rằng, cho tới ngày chết đã tiêu hao sạch phước, vì từ khi nghỉ hưu cho tới ngày chết, họ chỉ ăn mà không cống hiến được điều gì nữa. Do vậy, đời sau sẽ tái sinh vào một gia đình nghèo khổ vì không còn phước nữa mà không ai biết. Chỉ những người có đạo đức, biết nhân quả, biết tội phúc, biết Phật pháp thì mới sợ điều này, không bao giờ dám để một ngày ăn mà không làm điều phước gì. Đó là lý do người biết đạo ngày nào họ cũng kiếm chuyện phước để làm, không bao giờ ở không. Nhất là những vị Hòa thượng tu hành lâu năm trong chùa, các Ngài có đời sống hết sức đạo hạnh thì rất sợ điều tội phước này, vẫn đếm từng hạt cơm mình ăn mỗi ngày.

Và Thượng toạ nhắc lại tấm gương của Tổ Bá Trượng để khuyên răn mọi người dù bây giờ khi ta lớn tuổi, mình có con cháu cung phụng, hay có lương hưu để sống, có tài sản tích lũy lúc trước để bây giờ có thể dùng, nhưng phải hiểu mỗi ngày ta ăn cơm đều tính vào nhân quả tội phước cả. Cho nên, ta cần làm điều gì đó có lợi cho đời để xứng với bát cơm mình ăn.

Theo nguyên tắc, khi ta giúp cho người khác về vật chất thì mình được phước thuộc về vật chất, còn mình giúp về tinh thần thì được phước về tinh thần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại, có khi ta giúp người về tinh thần nhưng lại được cái phước vật chất, hoặc mình giúp vật chất lại được cái phước tinh thần. Để giúp mọi người nắm rõ hơn về gốc tội, phước, Thượng toạ đã chứng minh cho thấy tội – phước (nhân quả) linh động và biến hóa uyển chuyển chứ không có cứng ngắc.

Ví dụ để bảo vệ danh dự người khác thì ta được quả báo gì? Khi người tốt bị nói xấu, bị vu oan hãm hại và ta quyết tâm bảo vệ danh dự người tốt đó thì được phước đời sau ta luôn thành công vẻ vang, mà việc bảo vệ danh dự người khác nhiều khi ta không cần tốn nhiều tiền, chỉ cần tấm lòng, một quyết tâm, một lời nói, vậy mà đời sau ta làm việc gì thành công việc đó.

Cho nên, trong cuộc sống này ta cố gắng đừng nói xấu ai, cố gắng khen cái tốt của người khác càng nhiều càng có phước. Đừng có mở miệng chê người này dèm pha người kia, thành ra nó hư cái miệng, hư cả tâm hồn của mình.

Còn nếu ta ca ngợi Đức Phật, ca ngợi một bậc Thánh Alahán, các vị Bồ tát, các vị thiền sư, các vị Hòa thượng đạo cao đức trọng khiến cho nhiều người nghe sinh lòng kính ngưỡng và họ muốn quy y theo Phật để tu hành thì chúng ta sẽ cảm quả báo được đầy đủ công hạnh, trí tuệ giải thoát của Thánh.

Cho nên, việc hoằng pháp đầu tiên là phải biết ca ngợi Đức Phật và các bậc Thánh, đây là một kỹ năng cực kì quan trọng trong việc truyền bá chánh Pháp, hoằng truyền Phật pháp, nhưng quan trọng là ta phải biết kể chuyện về cuộc đời Đức Phật, tán thán Đức Phật để làm cho người khác cảm động mà phát tâm tu hành, đây là công đức số một. Thế nên, Thượng toạ chỉ thị cho các Chúng thanh niên và các Đạo tràng Phật Quang phải tổ chức hội thi kể chuyện về cuộc đời Đức Phật, theo đó giải thưởng sẽ thuộc về những ai kể chuyện ấn tượng, sâu sắc và cảm động nhất.

Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự 

Nhân đây, Thượng toạ cũng phân tích có hai loại phước, trong đó nếu ta giúp cho chúng sinh tu tập, cho họ có đủ niềm tin về nhân quả thì ta được phước vĩnh cửu. Còn ta giúp cho chúng sinh đời sống vật chất thì ta được phước tạm thời. Tuy nhiên, ta vẫn phải giúp chúng sinh về đời sống trước vì có thực mới vực được đạo. Sau đó ta giáo hóa thì phước của mình là vĩnh cửu.

Lại nữa, Thượng toạ còn giảng giải cho thấy có trường hợp bị cưỡng cho hết phước mà không phải do ta muốn, tức đời xưa ta có rất nhiều phước, nhưng đời này sinh ra ta bị ép phải hưởng cho hết phước… là như thế nào. Và căn dặn mọi người phải coi chừng, nếu mình sinh vào trong nhà giàu, được nuông chìu, được hưởng thụ cuộc sống xa hoa ngay từ tấm bé thì đây là điều cực kì nguy hiểm.

Hôm nay ta biết đạo thì phải nhớ: Nếu ta may mắn sinh ra trong gia đình giàu có thì đừng cứ phải hưởng thụ, phải cố gắng sống cần kiệm, cống hiến, phụng sự thì mới giữ gìn cơ nghiệp của tổ tiên được lâu bền. Còn nếu ta là bậc cha mẹ có tiền có của thì đừng khờ dại chiều chuộng, cung phụng quá mức, khiến con mình mất phước và nó cũng không sinh ra được những thế hệ con cháu về sau đặc biệt xuất sắc. Bậc cha mẹ không ngoan thương con thì phải dạy; mà càng thương chừng nào càng bắt con mình phải cống hiến, phụng sự cho đời nhiều chừng nấy thì gia đình đó, dòng họ đó về sau phát triển mới bền vững. 

Ngoài ra, Thượng toạ còn chia sẻ những khía cạnh khác có thể tạo ra phước, giúp mọi người trải nghiệm, ví dụ:

– Thời đại ngày hôm nay ta có máy móc kĩ thuật, nên một việc làm rất ít công nhưng gây ra kết quả rất lớn, tức nhờ kĩ thuật, phước của ta hơn gấp vạn lần làm tay chân. Hoặc trên internet cũng vậy, bất cứ ai có trí tuệ, có đạo đức, có đạo lý đều có thể cập nhật lên Facebook, lên trang web những điều tốt đẹp trong cuộc đời này mà được rất nhiều người nghe – đọc yêu thích và ảnh hưởng được vào tâm của họ, khiến họ trở thành người biết tu, biết sống một đời vị tha thì ta được phước rất lớn. Ví dụ:

Vật gì khi đã dùng xong/ Chớ coi là rác, đành lòng bỏ đi

Mà xem có lợi ích gì/ Đem vào tái chế đó thì rất hay.

Hoặc:

Tương lai nhân loại là đây/ Chẳng tạo rác thải thêm đầy khắp nơi

Gắng cùng hành động người ơi/ Vì một thế giới đẹp tươi vững bền.

Hoặc:

Đại dương đừng tưởng là sâu/ Ngẫm điều tội phúc đêm thâu hãi hùng.

Tức là đại dương coi sâu mà chưa có sâu bằng điều tội phúc. Điều tội phúc nếu ngẫm ra thì cuộc đời này thăm thẳm mênh mông, không thấy đáy. Sự thật, không có ai đủ trí tuệ để thấy hết tội phúc trên cuộc đời này.

Ngược lại, nếu chúng ta nói bậy một câu thì đọa không có đường trở lại. Ví dụ có một quan điểm nào đó trên Facebook mà ta comment làm người khác xé lòng, bất an hay khuyến khích sự tăng trưởng bản ngã của chính họ thì ta đọa không có đường lên. Do đó, trong thời đại kỹ thuật này, cái phúc; cái tội của của ta được nhân lên vạn lần.

 Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Mặc khác, nếu nói quý Thầy trong chùa không tăng gia sản xuất, không tiếp xúc gì với xã hội thì làm sao gọi là có cống hiến với đời để có phúc được. Như vậy càng đi tu lâu thì càng tội, có đúng không?

Để hiểu đúng điều này, Thượng toạ giải thích, ví như có một ngôi chùa nhỏ trong làng, tại đây có một nhà Sư không có tăng gia sản xuất, không có đóng góp, không cống hiến gì được, cũng không giảng dạy gì, mà đặc biệt vị Sư đó tu hành đàng hoàng. Chỉ điều đó thôi thì nhà Sư cũng rất có phước, vì đã cho đời một niềm tin về đạo đức. Coi vậy, tấm gương đạo đức quan trọng lắm, vì để cho người ta so sánh, để người ta tự kiềm chế lại những “Thói hư tật xấu” của mình.

Điều đặc biệt khác, chúng ta sống trên đời mà không gặp đạo lý tu hành thì đó là điều bất hạnh, vì sống không có định hướng, rồi nhiều khi ta làm những điều sằng bậy, uổng phí cả một kiếp người.

Tóm lại, “Tu” là đếm giữa tội và phước, cân nhắc giữa tội và phước trong suốt cuộc sống của mình. Mà phước là làm cho mọi người được an tâm, bình an; còn tội là làm cho mọi người bị bất an đau khổ. Nhưng điều gì làm cho người khác bình an, điều gì làm cho người khác bất an thì ta có triệu điều phải nói. Có những điều tội ở mặt này mà phước ở mặt khác và ngược lại, nên rất khó đánh giá. Do đó ta phải tu rất nhiều, học rất nhiều mới có trí tuệ biết cái gì là tội, cái gì là phước mà tự giữ lấy tâm hồn, giữ lấy hành vi, lời nói, cuộc đời của mình.

Đồng thời, ta tu để nâng vị thế của loài người thành một giống loài cao cấp hơn loài người một lần nữa, đó chính là bậc Thánh. Thánh là những vị vô ngã, từ bi, trí tuệ, thần thông quảng đại, yêu thương được tất cả chúng sinh, v.v… Sau khi phân tích những đặc tính của Thánh, Thượng toạ cho rằng: Để chuyển từ phàm thành Thánh thì đòi hỏi phúc rất lớn, rất dày. Nên bài học hôm nay dạy chúng ta hiểu việc tu hành, hiểu tội phúc, biết cân đo đong đếm tội phúc để suốt cuộc đời này biết tránh tội, siêng làm phúc. Khi phúc dày rồi mới đủ nâng ta lên thành một giống loài mới cao hơn, đó là Thánh vị cao siêu.

 Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Với bài Pháp thoại chuyên chở nhiều ý nghĩa tu hành, cộng với nhiều ví dụ cụ thể, thực tế, giúp người nghe dễ hiểu, dễ áp dụng đạo lý Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày. Cho nên tâm mọi người rất nhẹ nhàng, thảnh thơi. Dù Pháp hội trên cả nghìn người, mà cái nóng của thời tiết, thêm với cái nóng của con người toà ra vẫn không làm sao khiến buổi giảng mất tính trang nghiêm. Cả Giảng đường trên – dưới, không một ai nói chuyện riêng cả. Vì thế, từ lâu nay, nơi nào Người đến thuyết giảng thì nơi ấy tự nhiên câu hội về chùa từ vài nghìn đến hàng chục nghìn phật tử và giới trẻ cùng nhau đi trên con đường tu tập giải thoát giác ngộ. Điều này đã góp phần tạo cho sinh hoạt tín ngưỡng đạo Phật tại mỗi địa phương ngày thêm khởi sắc./.

Tuệ Đăng

Hình ảnh tại khóa tĩnh tu:

Nghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tựNghệ An: Khóa tĩnh tu tháng 6 tại Viên Quang tự

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất