Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang nói chuyện với thanh niên sinh viên về...

TT. Thích Chân Quang nói chuyện với thanh niên sinh viên về công quả Đại lễ Phật Đản

-

Tối ngày 04/6/2020, (nhằm ngày 13/04 nhuận/năm Canh Tý), trước thềm Đại lễ Phật Đản PL. 2564 – DL. 2020, TT. Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, BR-VT) đã có buổi nói chuyện thân mật với hơn 2.000 sinh viên và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền về chùa công quả phục vụ cho Đại lễ.

Bài nói chuyện đã phân tích, đề cập đến rất nhiều câu chuyện về Thế giới, về xã hội hiện tại, giúp các em có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh mình. Đồng thời, có thể tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội. Từ đó, cùng nhau xây dựng một Thế giới đầy yêu thương, tử tế.

Mở đầu bài nói chuyện, Thượng tọa gửi lời cảm ơn đến các em sinh viên và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đã thu xếp công việc cá nhân để về tham dự và phục vụ Đại lễ. Các em chính là những “chiến sĩ” hậu cần giúp cho người về dự Lễ được thoải mãi, thuận tiện, dễ chịu. Vậy nên, nếu không có các em, du khách, Phật tử về đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bản thân các vị Tăng Ni trong chùa cũng hết sức vất vả.

Bên cạnh đó, việc các em tích cực tham gia khóa tụng Kinh bằng tiếng Anh có thể thấy trình độ ngoại ngữ của các em rất tốt. Nếu tiếp tục duy trì việc học tập và sử dụng tiếng Anh thường xuyên, các em đã góp phần gieo ngôn ngữ chung cho Thế giới. Không sớm thì muộn, khi Thế giới đạt đến nền văn minh tột đỉnh, con người sẽ phải nói ngôn ngữ chung hết, đó là điều bắt buộc.

Nói về thế giới, hiện tại đang thực sự bất an khi dịch bệnh, thất nghiệp, bạo loạn biểu tình khắp nơi. Chúng ta có cơ hội được ngồi an toàn, thoải mái bên cạnh nhau như thế này là nhờ sự nỗ lực phi thường, sáng suốt tột độ của lãnh đạo nhà nước. Khi dịch bệnh mới bùng phát tại Trung Quốc, nhận thấy vị trí địa lí và mối quan hệ giao thương của hai nước có thể khiến dịch bùng phát mạnh tại Việt Nam, Chính Phủ ta đã lập tức triển khai các biện pháp phòng chống triệt để. Trong khi đó, cả Thế giới vẫn chủ quan, bình tĩnh, cười nhạo chúng ta quá quan trọng hóa vấn đề.

Kết quả, khi Thế giới vẫn lao đao vì dịch bệnh, ngay cả Mỹ còn đứng ngồi không yên với số người chết vì dịch đứng đầu thế giới, thì dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát. Không chỉ người dân Việt Nam, người nước ngoài mắc bệnh, các Y Bác sĩ cũng hết lòng cứu chữa, giành giật sự sống cho biết bao nhiêu người, kể cả những người đã từng có tiên lượng xấu. Nhờ vậy, chưa có trường hợp nào tử vong vì dịch ở Việt Nam. Ta nói lời này không phải để khẳng định mình giỏi, mà chỉ muốn bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc vì Việt Nam luôn yêu thương Thế giới theo tinh thần từ bi của Phật, tinh thần độ lượng, nhân nghĩa của dân tộc.

Thật vậy, dịch bệnh lần này ác liệt như thế chiến thứ III. Không cần thuốc súng, đạn bom, chỉ một con virus thôi cũng đánh gục cả nền kinh tế, chính trị của thế giới. Chúng ta thật may mắn khi chiến thắng trong thế chiến này. May mắn không phải ta có lực lượng quân đội hùng mạnh, mà là biết xử lí tốt dịch bệnh. Kì tích này khiến cả Thế giới ngạc nhiên và ca ngợi.

Lúc này, người ta bắt đầu điều tra, đặt câu hỏi tại sao một đất nước với nền kinh tế nông nghiệp, con người nhỏ bé, khoa học chưa hẳn đã phát triển bậc nhất nhì mà có thể đứng vững, chiến thắng trước mọi cuộc chiến tranh? Thực sự, ta không dám nhận mình giỏi nhất thế giới, nhưng cái sâu xa nào đó nằm trong tâm hồn người Việt làm nên chiến thắng lần này, đó chính là đạo đức.

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ thời Vua Hùng nhường ngôi cho anh trai, đến thời các vị Vua “lấy chí nhân để thay cường bạo”, rồi đến tư tưởng Hồ Chí Minh đã nối thành một vòng đạo đức của dân tộc. Thượng tọa tin rằng, chính nền đạo đức ấy đã làm nên chiến thắng này. Và nhiệm vụ, bài học của ta là tiếp tục phát huy đạo đức cho dân tộc mình.

Dịp này, Thượng tọa nhấn mạnh: dịch Corona rất nguy hiểm, nhưng cái nguy hiểm hơn của dịch bệnh là cách con người đối xử với nhau thiếu nhân văn. Chỉ một hành động xấu thôi cũng như giọt nước tràn ly, đẩy cả nhân loại vào đau khổ. Như vụ việc mới đây tại Mỹ, một cảnh sát chèn đầu gối vào cổ một người da đen cho đến chết trong khi 3 cảnh sát khác khoanh tay đứng nhìn. Điều này khiến cộng đồng bất bình, phẫn nộ, bạo loạn, cướp bóc, biểu tình vì thế mà diễn ra khắp nước Mỹ, sau đó lan sang cả Châu Âu. Ta nói điều này không phải chê trách mà để cảm thông và thấy rằng Thế giới đâu đâu cũng đáng thương. Từ đó, tự rút ra bài học cho mình để không mắc phải trong tương lai.

Đầu tiên là đừng nghe người khác nói ai xấu, ta chưa phân định rõ đúng sai đã đối xử với họ như phạm nhân. Việc vội vàng phán xét là nguồn cơn dẫn đến cái chết oan khuất cho người đàn ông da đen tại Mỹ. Cái khó là không phải mình viên cảnh sát Mỹ mà cả nhân loại đều mắc phải cái lỗi này. Rồi từ cái lỗi này, bao nhiêu tội lỗi, đau khổ khác phát sinh chồng chất lên nhau.

Thứ hai, ta phải coi chừng, tránh cái phẫn nộ trong tâm. Một khi cái tâm này nổi lên thì 98% chúng ta sẽ làm bậy. Có câu : “tình sinh thì trí cách”, nghĩa là tình cảm nổi lên thì mất lí trí. Vậy mới hiểu tại sao những việc ta làm xuất phát từ động cơ tình cảm đều đưa ta đến cái sai.

Nói về việc kiềm chế sự phẫn nộ, em trai người đàn ông da đen bị chèn chết chính là tấm gương sáng cho ta. Dù chịu sự mất mát rất lớn, anh ấy vẫn rất lí trí, kêu gọi mọi người biết bình tĩnh, kiềm chế, bởi “sự phẫn nộ của mọi người không kéo anh trai tôi sống trở lại được và chúng ta chỉ nên hàn gắn, đừng làm thêm tan vỡ cho đất nước này”.

Thực vậy, nếu phẫn nộ ta chỉ làm cho sự việc thêm xấu đi. Ngay như sự việc một em bé lớp 6 ở nước ta bị cây phượng đổ chèn chết, chúng ta chưa tìm cách xử trí mà vội vàng chặt bỏ hết các cây phượng khác ở nhiều nơi. Cũng vậy, liệu trong cách xử lí này có sự bất công, bất hợp lí không? Và đây là giải pháp tối ưu hay sự phá hoại?

Trong cuộc sống hỗn tạp này, ta phải khôn ngoan, cẩn thận coi chừng cảm xúc của mình bởi có tình cảm mà không có lí trí là ngu dốt. Vậy nên, ta không nên tin vào con tim, mà phải tin vào lí trí của mình. Như người Mỹ, vì tin vào trái tim mà phẫn nộ khiến đất nước bị dồn vào tai ương. Lúc này, ta không bàn tới Nhân quả vì nó là điều rất ác độc, mà ta chỉ bày tỏ sự cảm thông, thương tiếc với họ.

Từ những điều được nghe, được nhìn, ta thấy đạo đức và lí trí rất quan trọng. Nhưng nó từ đâu mà có? Có phải cứ có tiền là mua được không? Không phải, bởi ta thấy kinh tế Thế giới ngày càng phát triển nhưng đạo đức, lí trí con người lại càng suy giảm đi. Tại sao lại có sự phát triển ngược như vậy?

Thượng tọa lí giải, kinh tế, khoa học tiến bộ phát triển đã tạo ra rất nhiều sản phẩm công nghệ thông minh, lôi cuốn tình cảm, sự chú ý của con người, khiến chúng sinh sao nhãng dần tâm linh. Trong khi đó, tâm linh lại là cái gốc sản sinh, tôi luyện lí trí, đạo đức cho con người. Càng xa cái gốc này, đạo đức, trí tuệ con người ngày càng nông cạn, suy giảm.

Như vậy, khoa học phát triển vô hình chung tạo nên sự thiệt thòi cho nhân loại. Nghĩa là khoa học tiến tới đâu thì tiến nhưng không đủ sức kéo con người vượt qua trở ngại lớn nhất là sự đau khổ để giác ngộ giải thoát. Có khi, công nghệ càng phát triển mạnh, con người càng đau khổ, càng tan vỡ nhiều.

Chúng sinh chưa giác ngộ, chưa có đạo đức, chưa tin tâm linh nhân quả, chưa làm công đức thật nhiều thì tiền hay khoa học kĩ thuật cũng là nguyên nhân gây đau khổ. Trừ khi có đạo đức, có lí tưởng tu hành, tâm linh giác ngộ thì dù có tiền, có khoa học hay không, ta vẫn hạnh phúc vì thoát được đau khổ.

Để đánh giá con người hay muốn biết tâm của người khác, ta cần nhiều công sức, máy móc. Nhưng các Bậc đắc đạo chỉ cần ngồi một chỗ, thoáng nhìn ta là họ biết rõ được tất cả lòng người. Hơn nữa, các vị ấy không bao giờ giận hay ghét ai. Lúc nào cũng yêu thương, tha thứ và nỗ lực dạy dỗ. Vậy nên, cái biết của vị Thánh là biết trong độ lượng.

Giờ ta có thể hiểu tại sao có những chuyện mình không dám nói với ai nhưng lại có thể quỳ trước Phật, trước bậc Thầy khả kính để trút hết tâm sự. Tâm linh tiến bộ làm con người sáng suốt, trí tuệ, đạo đức, bình an vậy. Nhưng có điều khiến ta lo lắng là khoa học tiến bộ khiến con người quên mất tâm linh, giác ngộ.

Nhìn hàng nghìn người trẻ đang có mặt tại Pháp hội, Thượng tọa khẳng định các em là những người tuyệt vời vì trong thời đại công nghệ vẫn về mái chùa đơn sơ, nương tựa tâm linh với Đức Phật. Dù thế giới có biến động thế nào, các em vẫn không quên bờ bến, lúc nào cũng có nơi để tìm về, để yêu thương tất cả.

Một lần nữa, Thượng tọa gửi lời cảm ơn chân thành đến các em đã về đây tham dự và phục vụ cho Đại lễ. Người hy vọng, các em luôn biết đối xử với mọi người bằng tất cả tấm lòng yêu thương, tử tế, tôn trọng. Làm sao để không chỉ những người đến chùa mà tất cả chúng sinh đều tin rằng trên đời này thực sự có tình yêu thương, có sự tử tế. Từ niềm tin ấy, họ vượt được lên trên cuộc sống, thay đổi bản thân và cách ứng xử với người xung quanh theo hướng tốt lên.

Buổi nói chuyện hôm nay đơn giản chỉ là những câu chuyện thực tế, bình thường ta chỉ nhìn nhận một cách hời hợt, có khi không để ý. Nhưng hôm nay, qua sự phân tích giảng giải của Thượng tọa, ta thấy nó chứa đựng rất nhiều bài học triết lí về xã hội hiện tại. Có lẽ ta đã sống vội, quá vô tâm với những thứ xảy ra xung quanh mình. Nếu không có cái nhìn sâu sắc của Thượng tọa, chắc ta không bao giờ thấy được những bài học đắt giá như vậy, Để rồi từ hôm nay trở đi, chúng ta biết sống chậm hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc đời, xã hội. Việc ứng xử khôn ngoan, lí trí này sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng, thuận lợi. Thế giới theo đó cũng bình yên, an lành hơn./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi nói chuyện:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất