Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápThất giả thỉnh Phật trụ thế - Thập Hạnh Phổ Hiền

Thất giả thỉnh Phật trụ thế – Thập Hạnh Phổ Hiền

-

Vừa qua, tại Khóa tu thiền chùa Từ Tân (số 90/135, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp. HCM), TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại về chủ đề “THẤT GIẢ THỈNH PHẬT TRỤ THẾ, với sự tham dự của gần 1000 thiền sinh và trên 1500 phật tử đến nhiều tỉnh thành xa cũng như tại thành phố Hồ Chí Minh đồng tham dự.

Bài Pháp thoại này nằm trong chùm chủ đề “Bồ Tát Đại Thừa”, giới thiệu về 10 hạnh nguyện lớn của Bồ tát Phổ Hiền. Thông qua đây, mọi người thêm hiểu hơn về những công việc thầm lặng nhưng cao cả của những bậc Thánh trên cao. Đồng thời, cố gắng tu tập để gìn giữ đạo Pháp cho bền vững, trường tồn, giống như mong đợi của các vị Bồ tát.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định, từ xưa đến nay, thế giới đã trải qua nhiều quan điểm triết học, chế độ chính trị. Đây là hệ quả tất yếu từ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật. Kéo theo đó, cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm, lí trí, thói quen, quan hệ của con người cũng thay đổi. Thậm chí, thay đổi cả Phật pháp. Ví dụ, khi các phương tiện truyền thông phát triển, con người có thể nghe Pháp mọi lúc, mọi nơi. Cái gì cũng có sẵn trên mạng, nhiều khi còn thừa thãi nên người ta không cần khao khát tìm cầu nữa. Suy nghĩ, sở thích của con người cũng vì thế mà thay đổi. Có khi, ta còn coi thường chúng.

Ngày xưa, sống trong sự bon chen, tầm thường, con người bắt đầu ước mơ có bậc Thánh trên cao, lúc nào cũng dõi theo, xem xét chúng sinh để rồi thưởng phạt. Lúc này, yếu tố thần linh rất mạnh.

Ngày nay, khoa học kĩ thuật tiến bộ quá cao nên người ta bớt suy nghĩ về thần Thánh. Thay vào đó, họ suy nghĩ về nền văn minh ngoài hành tinh và nó cao siêu, biến hóa mạnh mẽ hơn cả thần Thánh. Kết quả, triết học tôn giáo Philosophy được thành lập. Đây là tôn giáo tin vào sự tiến bộ thần kì của khoa học, có thể kết nối vũ trụ với con người mà không cần thần Thánh. Với tín đồ của tôn giáo Philosophy, thần Thánh quá huyền bí, khoa học chắc chắn, xác thực, hấp dẫn hơn.

Hiện nay, dấu vết của người ngoài hành tinh xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Dù chưa chứng minh được nhưng người ta vẫn tin là việc này có thật. Vì thế, con người bắt đầu thay đổi suy nghĩ, quay sang tôn thờ khoa học, không còn hướng về tôn giáo. Dần dần, khoa học gây ảnh hưởng, chi phối con người nhiều hơn.

Theo Thượng tọa, sức mạnh của khoa học sẽ cuốn trôi mọi người theo một hướng. Trên hành trình đó, con người sẽ rời xa những ý niệm về tâm linh. Đồng nghĩa với việc những ý niệm về đạo đức, hay niềm tin vào thần Thánh, nhân quả cũng không còn. Trái đất vì thế sẽ kết thúc trong đau khổ.

Tuy nhiên, trong dòng xoáy đó, vẫn còn sót lại một số người có tầm nhìn vượt khỏi khoa học kĩ thuật. Họ là những người có thiện căn từ nhiều đời trước, nhìn thấy được cái tâm linh, biết vũ trụ còn bị chi phối bởi nhân quả. Nhờ đó, họ hiểu được cả vũ trụ trong bàn tay mình.

Nghĩa là họ có trí tuệ, vượt lên được cái thường tình của đông đảo chúng sinh, thấy được giá trị tâm linh. Những người mà Thượng tọa nhắc đến ở đây chính là các phật tử chịu khó đến chùa nghe Pháp bởi họ hiểu rằng, khoa học có tiến bộ đến đâu thì con người vẫn cần đạo đức, sự yên tĩnh trong tâm hồn, cần nhân quả và phải đi đến mục tiêu vô ngã. Và phật tử chính là những người cứu đỗi thế giới.

Người lí giải, phật tử hiểu rằng nhân loại sẽ diệt vong nếu cứ ngu muội đi theo khoa học mà thiếu tâm linh đạo đức. Khoa học rất cần thiết, giúp con người không bị rơi vào mê tín nhưng khoa học mà thiếu đạo đức sẽ là sự diệt vong khủng khiếp cho loài người. Thế nên, ta cần tôn trọng khoa học nhưng đừng mê muội chạy theo nó mà quên mất giá trị đạo đức. Ta phải giữ cho khoa học đi kèm với đạo đức.

Và phật tử chính là người gánh trách nhiệm gắn đạo đức đi kèm với khoa học vì họ có niềm tin vào tâm linh, nhân quả. Sợ rằng, những người như thế này mà trở nên ít đi thì sẽ rất bất hạnh cho trái đất. Khi đạo đức chưa đủ mà khoa học tiến quá nhanh thì con người chỉ dùng khoa học đó để giết hại nhau mà thôi.

Trước tình hình này, Bồ tát Phổ Hiền mới “Thỉnh Phật trụ thế”, tức là mời Phật ở lại thế gian lâu hơn. Sở dĩ có lời nguyện này vì Phật đã nhập Niết Bàn theo lời thỉnh của Ma Vương.

Người giải thích, Ma Vương là người thống trị từ cõi trời xuống cõi đất. Phật gọi đây là lưới ma và chỉ vị nào chứng đến A La Hán mới thoát khỏi lưới ma này. Chúng ta còn vô minh, chấp ngã nên vừa là con của Phật, vừa là dân của ma. Chỉ khi Chánh Pháp được phát huy, lan truyền rộng rãi thì ma mới mất dần.

Lại thêm, Ma là những người làm phước rất lớn nhưng tâm lại tham vọng quyền lực. Nghĩa là họ say mê làm phước, coi đó là thú vui nhưng lại không cần đạo đức. Nhân quả đẩy họ trở thành người có quyền lực nhưng không phải giải thoát mà để thống trị. Ma vương là một loại như vậy.

Hiện tại, chúng ta đang bị lãnh đạo bởi những người phước lớn hơn mình. Mà người lãnh đạo quốc gia có đạo đức thì là cái phước lớn của dân tộc. Tức là họ có cả phước và đạo đức. Nhờ đó, người dân được hưởng nhiều lợi ích. Đôi khi, tâm đức của họ biến thành bài học đạo đức, truyền cho mọi người thì lợi ích đó nhân lên gấp bội. Đây là lí do mà nhà nước ta phát động phong trào học theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực sự, mỗi lối cư xử, mỗi lời nói của Bác đều là bài học đạo đức lớn mà chúng ta có thể học tập được suốt đời. Dựa vào đó, Ban tuyên huấn của Đảng mới nghiên cứu, rút ra những bài học thật cảm động và tinh tế. Tuy nhiên, để tiếp nhận được đạo đức từ một người có đạo đức thì ta cũng phải đạo đức lắm. Vậy các cụ mới nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Quả là từ xưa đến nay, nhiều người đã là tấm gương đạo đức hay nhưng không cùng thuộc một thế hệ nên ta khó cảm động với lời nói, cách cư xử, cuộc đời của họ. Nếu ta có đạo đức, chỉ cần nhìn hay nghe thoáng qua là biết người đó có đạo đức hay không. Và dù ở thời đại nào, đạo đức cũng giữ vai trò quan trọng, làm nền tảng cho việc bảo vệ loài người trước sự tiến bộ nhanh chóng của xã hội, khoa học. Tuy nhiên, xã hội hay khoa học, dù phát triển đến đâu mà thiếu đạo đức, cuối cùng cũng sụp đổ. Giữa thế gian này, ai quan tâm, muốn cống hiến, truyền lại đạo đức cho người khác là người sẽ bảo vệ và giữ lại sự cân bằng cho trái đất này.

Vậy nhưng, có một thế lực không thích điều này, đó là Ma. Do đó, Ma mới đi theo và quấy phá Đức Phật. Nhưng vì uy đức của Ngài quá lớn, người theo Ngài quá đông nên Ma chỉ còn cách là thỉnh Phật nhập Niết Bàn.

Trước khi nhập Niết Bàn, Phật nói: “Như Lai sống thêm cũng không có lợi lắm vì những điều Như Lai cần nói đã nói rồi. Nếu cần, Như Lai có thể sống qua một kiếp”. Câu nói này, chúng ta suy nghĩ thế nào cũng không thể hiểu nổi.

Ta nghĩ một kiếp là từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi nhưng đó chỉ mới là một đời. Chữ “kiếp” mà Phật nói thì phải từ lúc loài người xuất hiện cho đến khi trái đất tận thế. Ngoài ra, những điều khác mà Phật nói, ngày nay ta đều thấy đúng. Cho nên, Einstein mới nói: “ Khoa học tiến tới đâu, tôn giáo phải điều chỉnh cho khớp tới đó, riêng chỉ đạo Phật là không cần vì đạo Phật đi trước khoa học rồi”.

Người cho rằng, Phật không nhập Niết Bàn, chắc chắn chúng ta sẽ may mắn hơn nữa vì khoa học tiến đến đâu, Ngài sẽ giải thích cho ta đến đó. Thậm chí, thế giới này có thể trở thành một quốc gia thống nhất, con người mãi mãi yêu thương nhau trong hòa bình.

Phật còn là một may mắn cực lớn của chúng sinh. Vậy nên, ý nghĩa thực sự của việc thỉnh Phật trụ thế là muốn cho Phật pháp tồn tại lâu dài trên cuộc đời này. Đây không phải vì cá nhân Đức Phật, mà vì Chánh Pháp. Thực sự có nhiều mối đe dọa khiến Phật pháp có nguy cơ biến dạng, biến tướng, thậm chí là biến mất. Sợ nhất là nó chưa biết mất thì đã bị biến dạng, biến tướng rồi.

Bây giờ, Phật đã nhập Niết Bàn nhưng vẫn còn rất nhiều thế lực muốn phá đạo Phật. Ngoài diệt đạo Phật bằng cách chém giết thô bạo, chúng còn thực hiện nhiều hành vi, âm mưu tinh vi hơn.

Ví dụ, chúng giả làm người xuất gia rồi trà trộn vào đại chúng để giảng bậy, khiến mọi người hiểu sai về đạo Phật, trước hết là hiểu sai về nhân quả vì đây là nền tảng, cốt lõi của đạo Phật. Hay chúng dựng chuyện, khiến các phật tử nghi ngờ, không còn tin tưởng vào thầy của mình nữa. Thậm chí, chúng gài người vào hệ thống chính trị, thông đồng với quyền lực để chèn ép, hủy diệt đạo Phật.

Thượng tọa khẳng định, phật tử là những người hết sức hiền lành, ngây thơ, trong khi các thế lực chống phá lại vô cùng hiểm độc. Vậy nên, chúng ta cần thực hiện lời nguyện của Ngài Phổ Hiền, thỉnh Phật trụ thế. Đầu tiên, ta thỉnh các vị Tôn túc trụ thế, sau đó, ta phải thực hiện một số điều sau để giúp Phật pháp tồn tại lâu dài:

Thứ nhất, cố gắng hiểu đúng lời dạy của Phật, đấy là cội nguồn. Ta càng tìm về cội nguồn thì đạo Phật càng tồn tại lâu dài. Rời xa cội nguồn, đi về các cành nhánh, đạo Phật sẽ mau bị hủy diệt. Phật dạy ta hướng về vô ngã, giáo lí đi về cành nhánh lại bí mật tô điểm cho bản ngã. Khoa học càng về sau càng tiến bộ nhưng trong đạo Phật, những người càng đi sau thì càng dở vì xa rời lời dạy của Phật thuở ban đầu.

Người lí giải, Phật là đấng vô thượng, không ai vượt được. Mấy trăm triệu năm mới có người đạt được đỉnh cao của sự giác ngộ. Ngài đến để thắp lại chân lí cho thế gian. Sau khi Ngài đi, ánh sáng chân lí đó tàn dần. Ta đi theo Phật mà rời xa Phật thì ánh sáng đó sẽ dần biến mất. Còn cứ khôn ngoan, đi theo ánh sáng đó thì Chánh pháp tồn tại mãi mãi.

Thêm nữa, đạo Phật mà xa rời thuyết vô ngã là đạo Phật đang suy tàn. Tu mà để tô điểm bản ngã là ta mất phước. Vậy nên, một trong những điều quan trọng để làm cho Phật pháp trụ thế, tồn tại lâu dài là cố gắng tìm lời dạy gốc của Phật. Ai có duyên phước mới thấy được đấy là chân lý tột cùng. Còn những lời hoa mỹ, cao siêu, coi chừng lại là sự sai lầm.

Tìm về cội nguồn lời dạy của Phật quan trọng vậy nhưng tại sao ta không mạnh dạn làm mà lại thích trụ ở cành nhánh? Lí giải điều này, Người đưa ra 2 nguyên nhân: Một là không ai cảnh báo ta điều này. Hai là do tình cảm của ta với thầy mình quá mạnh. Học hạnh “Thỉnh Phật trụ thế” của Ngài Phổ Hiền, ta mới dám bức phá khỏi cành nhánh đề tìm về cội nguồn.

Tức là khi ta ngộ hiểu sâu xa và thiết tha với mạng mạch của Phật pháp thì buộc phải tìm về với lời dạy của Đức Phật. Những lời dạy đó tuy nhỏ nhưng ta chiêm nghiệm cả cuộc đời cũng chưa hiểu hết. Trong đó chứa những điều tinh tế, xâu xa mà rất vĩ đại.

Ví dụ, Phật dạy “Phải thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt”. Nghĩa là một điều rất nhỏ trong cuộc sống, ta tưởng chừng nó vô hại nhưng nhân quả thực sự nó mang đến lại rất lớn.

Hay luật nhân quả, quy tắc cốt lõi của đạo Phật. Dù làm gì, ta cũng không bao giờ thoát ra ngoài sự chi phối thầm kín của nó trên mọi lĩnh vực. Một suy nghĩ, hành động rất nhỏ nhưng lại giúp ta tạo phước hoặc tổn phước ngay lập tức. Nhân quả tinh tế, sâu xa là vậy.

Hiểu vậy rồi, ta cố gắng làm phước từng chút một, phước nhỏ như hạt bụi cũng làm cho được. Vì sao?

Người trả lời, vì nhờ những điều nhỏ ấy mà đất nước ta chiến thắng tất cả mọi kẻ thù. Nên khi trở về cội nguồn của đạo Phật, phải nhớ cái đầu tiên là mục tiêu vô ngã. Sau đó, hiểu nhân quả, đây là những cái lõi không thể thay thế được.

Thứ hai, ta phải ngồi thiền, con đường tu tập đỉnh cao của đạo Phật. Có thể bước vào thiền định là ta đã thực sự lọt hẳn vào trong ngôi nhà Phật pháp. Đến với đạo Phật mà chưa tập ngồi thiền thì vẫn chỉ là đứng ngoài đạo Phật mà thôi.

Vậy nhưng, ngồi thiền không dễ, phải người có thiện căn, có công đức sâu dày mới chịu khổ được để ngồi thiền. Thêm nữa, ngồi thiền được nhưng chưa chắc đã định tâm được mà ít nhất phải mất 30 năm. Tu đến ngày có kết quả, ta bắt đầu thấy cả một chân trời mới hiện ra, lúc đó không có gì khác ngoài sự hạnh phúc tột cùng.

Thứ ba, ta phải lễ kính Phật để tạo phước cho mình và mọi người xung quanh. Đừng nghĩ rằng lễ Phật thì chỉ mình ta có phước bởi lúc đó, những người quanh ta cũng được lây cái công đức đó nên được Chư Thiên hộ trì.

Thứ tư, phải quán từ bi, yêu thương, tử tế, chăm lo cho mọi người. Cái tâm này không có giới hạn nên không bao giờ là đủ, phải vô tận như vậy. Chỉ sợ ta không đủ khả năng mà thôi. Còn nếu đủ, ta nguyện lòng phải làm cho bằng được bởi đó là tâm từ bi mà Phật dạy ta từ thuở ban đầu.

Lòng từ bi và ước nguyện lớn nhưng năng lực nhỏ bé nên việc làm của ta không bao giờ theo kịp cái tâm, không bao giờ tử tế được với hết tất cả mọi người dù tâm lúc nào cũng muốn vậy. Tuy nhiên, chỉ cần cố gắng để sự tử tế tràn ngập hết tất cả mọi người là ta đã và đang thực hành đúng lời dạy ban đầu của Phật, góp phần gìn giữ ngọn đèn Chánh Pháp mà Phật đã thắp lên từ mấy ngàn năm trước.

Thứ năm, để đóng góp vào sự tồn tại của Phật pháp, ngôi chùa phải trở nên ấm cúng, bền vững. Nghĩa là quý thầy phải yêu thương, từ bi với đệ tử. Thầy trò gắn bó tuy là điều nhỏ nhưng lại hàm chứa ý nghĩa rất quan trọng là vậy.

Thứ sáu, phải tác ý khiêm hạ, diệt trừ sự kiêu mạn để không bị tổn phước. Đệ tử Phật mà ai cũng bị tổn phước thì đạo Phật sẽ suy tàn. Còn ai ai cũng nhiều phước thì đạo Phật sẽ hưng thịnh. Đấy là điều hiển nhiên.

Vậy nhưng, quan trọng là ta tu được đến khi có kết quả trong tâm linh thiền định. Lúc đó, tâm ta bỗng rỗng rang, thanh tịnh. Dù chúng sinh vẫn đang loạn động nhưng ta chẳng chê bai, công kích ai mà cứ sống tự tại giữa cuộc đời.

Người khẳng định, chúng ta cứ tu cho đúng thì cuối cùng cũng sẽ có một kết quả chứng ngộ. Có thể ở tầng thấp nhưng tâm ta trở nên cách biệt. Mọi người không biết đến ta nhưng nhìn người không thanh tịnh là ta biết liền. Và sâu thẳm trong tâm, ta biết mình hơn người khác.

Cái hơn đó chính là sự kiêu mạn, một sự kiêu mạn mới đang được hình thành. Cái kiêu mạn này khi chưa tu chứng thì chưa có. Do đó, Phật mới nói các vị A Na Hàm vẫn còn kiêu mạn là vì thế. Các vị chỉ khống chế được nó thôi, còn muốn diệt hoàn toàn nó thì phải chứng đến A La Hán.

Để khống chế được sự kiêu mạn này, ta phải tác ý rằng nguyện cho mọi người cũng thanh tịnh, thậm chí là thanh tịnh hơn mình, cao siêu hơn mình. Vậy ta mới không bị cái là coi thường người khác.

Ngoài ra, muốn duy trì mạng mạch, bảo vệ Chánh pháp được trường tồn, ta còn có 2 điều cần phải bảo vệ. Một là bảo vệ đạo tâm của người sơ phát tâm. Hai là bảo vệ uy tín của những bậc tôn túc.

Người lí giải, những người sơ phát tâm mến đạo nhưng lòng họ rất yếu. Chỉ cần ai tác động đến là họ bỏ đạo liền. Ta phải bảo vệ đạo tâm họ cho đến lúc họ mạnh lên, tự có thể đứng vững rồi tiếp tục thay ta bảo vệ cho người khác.

Tiếp đến, bậc tôn túc là những cây đại thọ, che mát và là nơi nương tựa cho chúng sinh. Các thế lực thù địch muốn chống phá đạo Phật, đầu tiên chúng sẽ dựng chuyện nhằm mục đích phá uy tin của các vị tôn túc trước. Cho nên, quyết tâm bảo vệ uy tín cho những bậc tôn túc, chính là ta đang bảo vệ Phật pháp.

Tóm lại, đây là một bài Pháp khó nhưng vô cùng quan trọng, nếu đã là đệ tử Phật thì buộc phải hiểu cho thấu, thực hành cho thuần thục. “Thỉnh Phật trụ thế” không phải vì Đức Phật, mà là để Chánh Pháp được tồn tại lâu dài, để chúng sinh có ánh sáng, có lối đi về và có nơi để nương tựa.

Bằng những ngôn từ rất đơn giản, gần gũi, Thượng tọa đã truyền tải, gột tả được hết thông điệp mà Ngài Phổ Hiền gửi gắm. Nhờ đó, các phật tử thêm hiểu về công hạnh của các vị Bồ tát. Từ đó, mọi người siêng năng học tập, thực hành để tiến xa hơn trên con đường tu tập. Đồng thời, giúp đỡ đến những người chung quanh mình, góp phần hình thành cộng đồng Phật giáo đoàn kết, vững mạnh.

Lại thêm, trước cơn bão khoa học kĩ thuật đang ngày càng mạnh mẽ, bài Pháp như một lời cảnh tỉnh, kéo mọi người ra khỏi dòng xoáy đó. Khoa học kĩ thuật là cần thiết cho cuộc sống của chúng ta nhưng nó không phải là tất cả. Vậy nên, đừng để nó điều khiển, chi phối, rồi đánh mất đi những thứ quan trọng hơn, đặc biệt là tâm linh, đạo đức. Nếu không, trái đất sẽ bị tận diệt trong đau khổ./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi thuyết giảng tại chùa Từ Tân:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất