Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTứ giả sám hối nghiệp chướng - Thập hạnh Phổ Hiền

Tứ giả sám hối nghiệp chướng – Thập hạnh Phổ Hiền

-

Sáng ngày 17/09/2017 (nhằm ngày 27/07/Đinh Dậu), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng về đề tài TỨ GIẢ SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG, tại khóa tu Thiền chùa Từ Tân (số 90/153, Trường Chinh, Phường 12, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Bài Pháp thoại này là bài tiếp theo trong loạt bài về “THẬP HẠNH PHỔ HIỀN”, với sự tham dự của gần 1000 thiền sinh tham gia khóa tu Thiền và hơn 2000 phật tử từ các tỉnh thành đồng tham dự.

Đây cũng là một phương pháp tu dành cho những hành giả bước trên con đường Bồ tát hạnh, mà Thượng tọa đã giảng giải khúc chiết, rõ ràng, dễ hiểu để mọi người có thể vận dụng, áp dụng cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta cần có sự hiểu biết trọn vẹn về việc tu tập và hành xử để có thể bước trên con đường cao quý này.

Khi nhắc tới hạnh nguyện của một vị Bồ tát thì có cái nguyện “Tứ giả sám hối nghiệp chướng”. Chúng ta cần phải nhận biết về phẩm hạnh này.

Hạnh thứ tư trong thập hạnh Phổ Hiền là “Sám hối nghiệp chướng”. Chúng ta nghe thấy rất lạ, tại sao bậc Bồ tát đã thanh tịnh đắc đạo rồi mà lại còn có cái tâm sám hối nghiệp xưa? Đây là điều tinh tế trong đạo đức.

Theo Thượng tọa, một bậc đắc đạo thì có khả năng nhớ lại vô lượng kiếp xưa của mình, mà điều gì làm vị ấy ấn tượng, nhớ nhất trong vô lượng kiếp đó? Không phải là những việc làm thiện giúp người, mà chính là những cái nhân tội lỗi vị ấy đã gieo. Đó chính là đặc tính của Bồ tát, ngược hẳn với phàm phu. Trong khi phàm phu hay nhớ mãi cái công, mau quên cái tội của mình thì một bậc Thánh lại mau quên đi điều tốt, chỉ nhớ mãi những lỗi lầm của mình mà thôi.

Lại nữa, ta thắc mắc rằng một bậc Bồ tát đắc đạo, thần thông tràn ngập, cái phước vô lượng rồi thì còn tội ở đâu mà sám hối? Để đủ phước khai mở tâm linh, thành tựu được Thánh vị thì phải nói rằng cái nghiệp của vị ấy đã không còn. Ví dụ có người đã từng phạm một lầm lỗi rất nặng, rồi khi vào chùa người đó chịu đủ mọi sự cực nhọc, oan ức mà không hề than van. Qua năm mươi năm trời, khi nghiệp đã hết thì đến cuối đời mới chứng được điều gì đó. Hoặc một vị qua nhiều kiếp làm vô số công hạnh khó làm như: lễ kính chư Phật, thương yêu chúng sinh, công quả, giáo hóa… Tức là bề dày công đức rất lớn thì mới đủ để đắc đạo.

Thật ra, trong vô lượng kiếp ai cũng đã tạo vô số lầm lỗi. Phàm phu thì hoặc không biết lỗi, hoặc cố trả cho hết nghiệp rồi xem như xong. Chỉ người có đạo đức hơn một chút thì mong làm những việc tốt khác để bù lại lầm lỗi xưa. Và vì bậc Bồ tát là đạo đức tuyệt đối nên các vị cũng có tâm lý đó: dù nghiệp đã trả xong, các vị vẫn muốn làm những điều tốt gấp nhiều lần để bù lại những cái tội mình đã gây ra.

Tuy nhiên, không dừng lại, nhìn trong vô lượng kiếp của mình, bậc Bồ tát còn thấy điều tội nào cũng là “vết nhơ”. Nhiều khi không hiểu, ta nói rằng nghiệp đã trả xong thì lòng vui phơi phới. Chứ còn với một bậc Bồ tát siêu việt thì dù quả báo đã được trả xong, các vị thấy vết nhơ vẫn còn. Hiểu điều này rồi từ đây chúng ta hãy dè dặt lại, đừng vẽ lên cuộc đời mình những lầm lỗi vì tất cả đều được ghi lại, sau này quả báo thì trả xong rồi nhưng vết nhơ vẫn còn đó, nó đeo đẳng trong cái nghiệp của mình chưa bao giờ hết.

Có người nói sao từ nhỏ đến lớn tôi chưa xấu hổ điều gì, thật ra vì ta ngu nên ta không thấy lỗi. Chỉ người ngu mới không thấy lỗi, còn người có trí tuệ đều thấy mình có lỗi, mà càng trí tuệ chừng nào thì thấy lỗi càng tinh tế sâu sắc chừng nấy, kể cả cái lỗi vừa mới manh nha trong ý nghĩ thầm kín.

Lỗi lầm giăng bủa chúng sinh, mà chỉ người có trí tuệ mới thấy được. Nên Bồ tát nhớ lại trong vô lượng kiếp, từ thuở xa xưa nhất thiện ác còn lẫn lộn, những điều bất thiện còn dày đặc. Càng nhớ lại càng thấy xấu hổ vì những cái tội cũng là vô lượng. Nghiệp dĩ nhiên đã trả xong, mà với các vị thì vết nhơ vẫn còn.

Nhưng tại sao chuyện từ cả nghìn kiếp trước mà cứ phải nhắc lại, có phải là “chấp” không? Hãy biết rằng với Bồ tát thì một nghìn kiếp trước vẫn như ngày hôm qua, và một nghìn năm sau là chuyện đang bày ra trước mắt. Đó là ý niệm về thời gian của Bồ tát. Nên những lầm lỗi đã gieo từ cả nghìn kiếp trước, Bồ tát thấy như chuyện mới hôm qua, lúc đó ta nói xấu hổ thì không đáng nhưng với các Ngài đó vẫn là vết nhơ còn lại trong dòng nghiệp của mình, không đẹp.

Mà người có trí tuệ thì không bao giờ để cho chuyện xấu xảy ra. Ý niệm đẹp xấu biểu hiện trí tuệ của một con người, một bậc Thánh. Cái đẹp là thuộc tính của trí tuệ. Chẳng hạn, để đánh giá một dân tộc có văn minh hay không, hãy đi ngoài đường phố xem có sạch sẽ không, cây xanh có trồng không, lề đường có thoáng rộng không, có nhiều người chiếm dụng lề đường không… Cái đẹp là một trong những tiêu chuẩn đánh giá trí tuệ của một con người, một dân tộc.

Cho nên những bậc Bồ tát trí tuệ khi nhớ lại vô lượng kiếp thấy những vết nhơ không đẹp trong dòng nghiệp của mình thì không chấp nhận được. Ta không gọi là xấu hổ dằn vặt, nhưng là không chấp nhận được.

Và đói với vết nhơ trong vô lượng kiếp, thái độ của một vị Bồ tát thứ nhất là trả nghiệp, tức làm rất nhiều điều phước để bù lại. Thứ hai là xóa vết nhơ đó bằng cái tâm “hối hận”. Đây là gốc rễ của vấn đề. Tâm hối hận là công cụ để tẩy vết nhơ tội lỗi trong quá khứ.

Nhưng hối hận là gì? Ta không định nghĩa rành rọt được. Chỉ biết rằng đó là thuộc tính của đạo đức. Ta cứ nhìn cái tâm hối hận để biết rằng đạo đức, đạo hạnh của mình đã tiến tới đâu. Để đánh giá trí tuệ, đạo đức của người khác, cũng hãy hỏi họ rằng:
– Cuộc đời anh có lỗi lầm không?
– Anh có tâm hối hận với lầm lỗi không?

Chỉ những người có tâm hối hận mới là người có đạo đức. Còn một bậc Bồ tát đạo đức tuyệt đối rồi, khi thấy được vô lượng kiếp của mình với vô lượng lầm lỗi thì dĩ nhiên cái tâm hối hận của vị ấy cũng là vô biên.

Vị Bồ tát cũng thấy được vô lượng kiếp của những chúng sinh khác, mà chúng sinh thì chập chùng tội lỗi. Vậy trước lầm lỗi của chúng sinh, bậc Bồ tát nghĩ gì? Thật ra với phàm phu loạn động như chúng ta, nếu ta thấy được tất cả lỗi của mọi người, ta có thể vỡ tim chết ngay vì kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi. Lầm lỗi của chúng sinh là đầy hết cả trời đất này. Nếu ta thấy điều tội lỗi của người rồi khinh bỉ, thì sự khinh bỉ chứa cả hư không này cũng không đủ. Nhưng may mắn là chỉ bậc Bồ tát mới thấy rõ vô lượng kiếp của chúng sinh với vô lượng lầm lỗi, và các Ngài thấy trong sự bình an tha thứ, xót thương, cảm thông.

Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là chấp nhận bỏ qua. Khi thấy chúng sinh tội lỗi ngập tràn, thì lòng vị Bồ tát thương xót vô hạn và khởi lên tâm nguyện muốn cứu độ chúng sinh, để chúng sinh vượt qua lầm lỗi, tránh bị đọa lạc đau khổ. Bồ tát nào cũng có niềm day dứt này.

Đó là lý do mà Bồ tát nào cũng lang thang trong luân hồi, chịu đủ điều cực khổ để giáo hóa chúng sinh. Hãy nhớ rằng không phải bậc Bồ tát nào cũng sinh về nơi sung sướng thuận duyên. Vì Bồ tát cũng mang theo cái nghiệp của mình, nên khi đến với cuộc đời giáo hóa chúng sinh Bồ tát cũng phải đối diện với những nghiệp xưa, chịu đủ điều đắng cay, nhục mạ, phỉ báng. Đó là chuyện rất bình thường.

Tại sao người ta phỉ báng nhục mạ, có phải vì xưa kia vị Bồ tát đã phỉ báng nhục mạ họ không? Ta phải hiểu nhân quả cho rộng, thật ra nhiều khi nó đến từ cái nghiệp sát chứ không phải từ khẩu nghiệp đơn thuần. Chẳng hạn, có vị Bồ tát trong quá khứ đã từng làm vua làm tướng, và để bảo vệ đất nước vị ấy đã cầm quân tiêu diệt quân thù. Sang kiếp sau những kẻ xâm lăng khi xưa vẫn còn mang niềm oán giận, nên vừa gặp lại là thù ghét, muốn mưu hại, mắng chửi, phỉ báng vị Bồ tát đó. Tuy mắng thì mắng nhưng không được quyền giết, vì ngày xưa vị vua, vị tướng ấy giết người là có lý do chính đáng. Đó là một ví dụ.

Cho nên một vị Bồ tát lang thang giáo hóa giữa cuộc đời rồi phải chịu đựng đủ điều khổ sở cay đắng, Ta kính thương các Ngài biết bao nhiêu là vì vậy.

Nói về lợi ích của tâm hối hận, khi nghiệp trả hết rồi thì vết nhơ tội lỗi vẫn còn, chỉ có một cách xóa vết nhơ đó là hối hận. Chỉ tâm hối hận lâu ngày mới làm vết nhơ biến mất. Đó là nguyên tắc. Nên khi một vị Bồ Tát thấy được vô lượng kiếp của mình với vô số lỗi, các ngài hối hận lâu dài cho đến khi vết nhơ đó mất luôn, giống như chưa bao giờ tồn tại. Công năng của hối hận là vậy, làm cho những lỗi lầm được xóa sạch trắng giống như chưa bao giờ có. Đó là một nguyên tắc của trời đất, của nhân quả.

Như thế khi một lầm lỗi được tạo ra, thì ta phải:
– Thứ nhất là trả nghiệp
– Thứ hai, làm phước rất nhiều để bù lại cái nghiệp
– Thứ ba, hối hận để xóa luôn vết nhơ.
– Thứ tư, “sám hối nghiệp chướng”.

Nói về công năng của sám hối, Thượng tọa cho biết: sám hối, sám hối là bước cao hơn của tâm hối hận. Ta phải nói rất nhiều về tâm hối hận trước là vì thế, chứ nếu nói ngay vào sám hối thì không đủ chiều sâu. Sám hối là nghi thức kết hợp giữa vừa cái tâm hối hận, vừa lễ kính Phật. Vì sao phải lễ kính Phật, vì lễ kính Phật giúp xóa cái lỗi nhanh hơn rất nhiều. Nếu ta chỉ dùng tâm hối hận thì phải mất thời gian lâu xa vô cùng ta mới xóa được vết nhơ tội lỗi. Nhưng may mắn ta có Đức Phật – là bậc Thánh của cả pháp giới vũ trụ, với công đức vô lượng vô biên. Khi lễ kính Phật với cái tâm sám hối, ta được nương theo cái phước của Người và những lầm lỗi trong quá khứ sẽ được gột rửa nhanh hơn.

Nhưng với điều kiện phải sám hối với cái tâm tha thiết. Còn nếu ta không nghĩ rằng mình đã tạo nhiều tội, sám hối không tha thiết thì tội không xóa nhanh được. Khi ta sám hối với cái tâm rất chân thành tha thiết, tội lỗi sẽ được xóa nhanh hơn, những cái lận đận khổ đau trong đời ta bỗng trôi qua nhẹ nhàng, mọi điều sáng sủa lên dần, cuộc đời ta hanh thông dần dần. Ta biết rằng nghiệp xưa đang được xóa, cái phước lành đang đến dần, chính nhờ cái tâm sám hối thiết tha.

Khi sám hối ta hãy tác ý câu này: “Tự kiếp xưa vô minh con đã tạo quá nhiều tội lỗi, có những tội lỗi con biết và có những tội lỗi con không biết. Ngày hôm nay con xin thành tâm sám hối tất cả”. Đó là người có trí tuệ. Còn nếu chỉ sám hối những lỗi mình thấy được thôi thì người này vẫn chưa có trí tuệ sâu xa.

Và đừng quên sám hối luôn cả cái tâm đã thúc đẩy cho ta tạo tội, đó là tham sân si, ích kỷ, ganh tỵ, kiêu mạn, hiếu thắng, nhỏ mọn, cố chấp, phung phí, vô ơn, phản bội, thất hứa, v.v.. Sám hối cái hành vi tạo tội đã đành, nhưng cũng hãy sám hối luôn cả cái tâm âm thầm phía sau đã thúc đẩy cho ta tạo tội. Mà người sửa được cái tâm mình là người được chư Thiên yêu mến, là người quân tử sống giữa đời và có phẩm chất của một bậc Thánh.

Một ích lợi của tâm hối hận nữa là khi hối hận những lỗi cũ, đến lúc nào đó ta sẽ không phạm lỗi ấy trong vị lai. Cái đạo vận, đạo nghiệp của mình tươi sáng lên bởi ta không còn vướng vào những cái tội lặt vặt nữa.

Cuối cùng, hối hận, sám hối giúp diệt trừ kiêu mạn. Người biết ăn năn về cái lỗi của mình thì không thể kiêu mạn được. Cũng vậy, kẻ kiêu mạn thấy mình hơn người thì chắc chắn không bao giờ thấy lỗi, không bao giờ hối hận. Hối hận và kiêu mạn là hai tâm lý đối nghịch nhau, hễ có điều này thì không có điều kia. Vì vậy hãy hối hận để tâm không kiêu mạn, mà không kiêu mạn thì chắc chắn ta sẽ ít mắc lỗi, bớt tạo nghiệp trong vị lai.

Thật vậy, những lời hướng dẫn rất chi tiết này là vô cùng quan trọng và tối cần thiết cho người đệ tử Phật trên bước đường tu nhân học Phật. Giáo pháp chân chính cần phải được bồi đắp và thực hành dưới nhiều góc độ khác nhau. Chúng ta hãy nương theo bước chân của các vị Bồ tát là sự thực hành cơ bản để đạt được giác ngộ giải thoát, trong đó phải biết thực hành pháp sám hối và có thái độ ăn năn hối hận về những lỗi lầm của chính mình, đồng thời quyết tâm không phạm lại lầm lỗi đó, chứ không phải là sự van xin năn nỉ để được Phật, Bồ tát tha thứ. Ở đây, thái độ ăn năn sám hối chính là ý nghĩa sám hối trong đạo Phật. Lành thay! chúng ta may mắn có được sự hướng đạo đúng đắn./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu thiền và buổi thuyết giảng tại chùa Từ Tân:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất