Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức và sự kiệnVĩnh Long Đại Giới Đàn Đắc Pháp P.2567 - TT.TS Thích Chân...

Vĩnh Long Đại Giới Đàn Đắc Pháp P.2567 – TT.TS Thích Chân Quang giáo giới cho giới tử tăng ni tại 2 giới trường

-

Vừa qua, chiều ngày 31/03/2023 (nhằm ngày 10/02/Quý Mão), đáp lại lời thỉnh cầu của Ban Kiến đàn, Thượng tọa Thích Chân Quang – Tiến sĩ Luật Học, Giảng sư Phật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm Giới trường giáo giới cho hơn 500 giới tử chuẩn bị thọ giới tại Đại giới đàn Đắc Pháp năm 2023 về vai trò quan trọng của việc trì giới cũng như các phương pháp, cách thức trì giới hiệu quả. Nhờ đó, các giới tử có cơ sở để hành trì đúng đắn, tuân thủ nghiêm giới luật, trở thành một vị tu sĩ xuất gia chân chính, một bậc mô phạm xứng đáng cho hậu bối học tập, noi theo.

Đại giới đàn Đắc Pháp PL.2566 – DL.2023 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức từ ngày 31/03 – 02/04/2023 (nhằm ngày 10, 11, 12/02/Nhuần năm Quý Mão). Truyền giới Tăng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long); truyền giới Ni tại chùa Hội Đức (phường Trường An, TP Vĩnh Long).

Để các giới tử hiểu và hành trì đúng giới luật oai nghi của người xuất gia trước khi đăng đàn thọ giới, chư Thượng tọa trong ban Dẫn Thỉnh đã luân phiên hướng dẫn giới tử.

Theo đó, đúng 15h00”, TT. TS. Thích Chân Quang đã quang lâm giáo giới cho các giới tử tại giới trường Ni (chùa Hội Đức) và giới trường Tăng (chùa Phật Ngọc Xá Lợi).

Trước khi giáo giới cho hàng giới tử Thượng toạ nhắc nhở: Việc học giới, thọ giới rồi trì giới là sự nghiệp của đời này và cả những đời sau, chứ không phải trong giây phút ngắn ngủi. Và qua năm tháng tu hành, cho đến khi trì giới được ở bề sâu rồi thì các giới tử hôm nay sẽ trở thành điều mầu nhiệm, tức trở thành niềm cảm hứng cho bao thế hệ đi sau. Như có những bậc Tôn túc giữ gìn giới hạnh trong sạch cả đời, nên khi ngồi trên Giới đàn, các vị trở thành niềm cảm xúc thiêng liêng mầu nhiệm truyền lại cho bao nhiêu giới tử. Giới tử nhìn vào tấm gương đó mà khởi tâm xúc động để rồi cả đời giữ giới. Đó là lý do Đàn giới nào cũng có Hội đồng Thập sư, bởi vì ta cần những người sống thực sự, ngồi trước mặt để ta kính ngưỡng, tin tưởng. Dù các Ngài chỉ ngồi trên Giới đàn, nhưng cũng trở thành niềm cảm xúc thiêng liêng, truyền nhiệm mầu đến cho ta. Và ta mang cái niềm tin đó đi hết cuộc đời còn lại, để suốt đời ta noi gương, trì giới.

Có bốn yếu tố giữ cho Phật pháp được trường tồn:

– Đầu tiên là có người tu chứng Thánh quả thật sự. Ta mặc gì, dung mạo ra sao thì hình tướng chỉ là hình tướng, nội tâm và quả Thánh mới là cái gốc. Có sự chứng quả Thánh, tự nhiên ta có sức mạnh nội tại, có thể thuyết phục, cảm hóa được chúng sinh. Nhờ tâm linh đức độ tỏa ra từ ta mà chúng sinh được nương tựa, tin tưởng, tiếp tục tu hành theo Phật. Vậy nên mọi người phải cố gắng tu hành, chỉnh sửa nội tâm, trau dồi đạo đức, trí tuệ, tiến tu từng ngày. Làm sao để khi Phật tử đứng trước ta, họ tự nhiên xúc động, rồi cung kính, vâng lời, thừa sự. Giờ thì ta hiểu tại sao có những vị đắc đạo là yếu tố quan trọng nhất làm cho Phật pháp trường tồn.

– Thứ hai, Tăng Ni giữ gìn giới hạnh trong sạch. Không biết tâm họ có chứng hay không nhưng nhìn vào giới hạnh của Tăng Ni, người sau yên tâm tu theo Phật. Khi cạo tóc, mặc áo cà sa là ta đã tuyên bố với mọi người rằng mình là người có đạo đức, giới luật, phẩm hạnh và sự thúc liễm. Khi nhìn vào quần áo ta mặc, họ tin ta là người có đạo đức, phẩm hạnh, nhiều kinh nghiệm tu tập, có thể chỉ dạy cho họ bớt sai lầm, tội lỗi.

Tiếp đến, họ soi xét ta trong từng lời ăn tiếng nói, nếu mỗi hành động của ta đều chỉnh tề, đàng hoàng, cẩn thận, tử tế, thanh tịnh, họ bắt đầu đặt niềm tin lên ta. Khi Phật tử đặt niềm tin lên ta thì ta có phước. Nghĩa là chưa thuyết Pháp gì, chỉ cái đạo hạnh của ta khiến người khác tin Tam Bảo cũng đã có phước rồi. Ngược lại, tiếp xúc với ta mà họ phát hiện thấy lời ăn tiếng nói, hành động của ta có quá nhiều lỗi, không nghiêm túc, không có biểu lộ của sự từ bi, không có siêng năng của sự giáo hóa, bắt đầu họ nghi ngờ, mất niềm tin. Lúc này dù chưa phạm lỗi gì, ta cũng mất phước.

– Thứ ba là sự nghiệp hoằng pháp còn phát triển. Hiện nay, phương tiện truyền thông phát triển giúp việc tiếp cận các bài Pháp của Phật tử trở nên dễ dàng hơn. Nên nếu còn có người hoằng Pháp thành công sẽ thuyết phục được mọi người tin Phật, hiểu đạo lý Phật, biết quy y Tam Bảo. Mà cái nền để quý Thầy thuyết Pháp, làm Phật sự chính là các giới hạnh căn bản. Nếu ta biết trì giới, gìn giữ ngôn hạnh đàng hoàng thì sẽ có sức mạnh, sự tự tin để nói lời đạo lý, giúp chuyển hóa tâm hồn người nghe. Không có cái nền của giới luật, của phẩm hạnh, lời nói của ta không đủ sức mạnh để thuyết phục người khác.

Về thân giáo, nền tảng đạo hạnh quyết định rất nhiều đến giá trị của lời nói. Như vậy, thân tướng đoan nghiêm, giới hạnh đàng hoàng là một nghìn bài Pháp không lời khiến Phật tử đặt được niềm tin với đạo. Niềm tin này giúp họ có thêm động lực, sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, kiên trì với con đường tu hành của mình.

– Thứ tư là ý thức hộ pháp. Thực sự từ xưa đến nay, sự chống phá với đạo Phật chưa bao giờ ngưng lại. Việc cố gắng phục hồi, gìn giữ, phát triển đạo Phật trường tồn sẽ giúp chúng sinh được nhiều lợi ích. Để vừa chống lại sự phá hoại của các thể lực xấu, vừa phù hợp với sự thay đổi của thời đại, giới luật đã có những thay đổi linh hoạt nhưng trên tinh thần của giới luật, chúng ta vẫn cần giữ hình ảnh một người tu nghiêm trang, cẩn túc, thiêng liêng, cao quý.

Việc học giới luật lúc nào cũng phải tự giác, bắt đầu từ chính mình. Ngoài việc yêu giới, chăm chỉ đọc và suy ngẫm về giới, chúng ta phải biết cách áp dụng nó một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế. Hiểu về giới, giữ được giới là ta đang giữ đạo tâm cho chúng sinh. Nói cho cùng, mục tiêu gìn giữ giới luật là gìn giữ đạo tâm cho chúng sinh. Đạo tâm của chúng sinh còn, thì dù bị chống phá thế nào đạo Phật cũng vẫn tồn tại một cách bền vững.  

Như vậy, giới luật chính là một yếu tố quan trọng giúp đạo Phật trường tồn. Trong giới đàn này, Thượng tọa tập trung phân tích về giới hạnh, giới luật của chư Tăng Ni và xoáy sâu vào bản thể của giới để mọi người có tâm nguyện thiết tha giữ gìn giới luật. Giữ giới là một mắt xích để bảo vệ Phật pháp trường tồn, một mắt xích đưa đến Thánh quả, một mắt xích để tạo niềm tin cho tất cả chúng sinh.

Giới luật chủ yếu để ngăn cấm người xuất gia đừng làm gì sai. Nhưng tại sao ta làm sai?  Bởi vì tâm còn ô nhiễm, tăm tối, vô minh, còn gốc rễ tham sân si. Trong những cái sai lầm đó, nặng nhất là sắc dục, thứ hai là sân hận, thù ghét, thứ ba là tham lam, thứ tư là kiêu mạn.

Để ngăn chặn mọi người phạm giới, cả bên Tăng và Ni đều đưa ra rất nhiều quy định. Mỗi quy định lại chia thành các giới nhỏ cụ thể. Có giới thuộc về đời sống cá nhân, có giới thuộc về đối xử với quần chúng,… Mỗi giới lại gắn với một cái tâm, đạo đức khác nhau. Vậy nên, khi học giới luật, Tăng Ni cần gắn mỗi giới với một tâm niệm của mình. Sau này, khi tâm có động, ta có giới này, giới kia kiềm chế, giữ lại. Dù giới luật thuộc về hành tướng, ngăn cấm làm việc này việc kia, nhưng cái gốc của giới lại nằm trong tâm của mỗi người. Tìm cho đến gốc của tâm thì sẽ giữ được giới.

Chẳng hạn người xuất gia phải giữ giới ái dục, tuy nhiên nếu giữ trên hình tướng thì vẫn xao động, ray rứt, thương nhớ, tâm không yên được. Còn ai giữ giới ái dục đến tận cái tâm của mình – có nhiếp tâm thanh tịnh, đồng thời tạo công đức, vun bồi lý tưởng tu hành… thì tâm được bảo vệ, dù có xao động nhưng vẫn có sức mạnh nội tại, có ý chí giữ lại không cho lòng vương vấn và không cho phạm giới. Nếu không có cái phước sâu thẳm trong nội tâm, không có sức mạnh nội tâm thì chỉ giữ giới trên hình thức một cách bứt rứt gượng ép, đè nén và đau khổ.

Ai chỉ giữ giới nơi hình tướng bên ngoài, người ấy rất khó lòng giữ giới trọn vẹn, hơn nữa dần sẽ trở thành người khó tánh hay bắt lỗi người khác mà trong đạo Phật gọi là Giới cấm thủ.

Bản chất của giới luật là đừng làm gì sai, nên giữ được giới thể, giới Pháp hay không còn tùy thuộc vào tâm ta. Nếu tâm ta thanh tịnh, không sai thì ta giữ được giới Pháp, giới tướng. Nếu tâm ta động loạn, sai lầm, ta rất dễ phạm giới.

Việc giữ được giới, đó vừa là bảo vệ sự thanh tịnh cho chính bản thân người xuất gia, vừa bảo vệ uy tín cho Phật pháp, vừa giữ niềm tin cho mọi người. Những công đức này gom lại sẽ thành cái phước giúp người xuất gia vượt lên để chứng Thánh quả.

Muốn giữ giới vuông tròn, lâu dài thì chúng ta phải trau dồi 4 yếu tố sau:

– Người xuất gia đầu tiên phải giữ giới bằng đời sống trong đại chúng (làm gì cũng có đại chúng, nhờ đại chúng mà thủ hộ lẫn nhau). Chỉ trừ vị có căn cơ của bậc Bích Chi Phật, còn lại tất cả chúng ta phải khôn ngoan nương tựa vào đại chúng mà trì giới. Một ngôi chùa đông Tăng chúng vẫn tốt hơn một vị Thầy âm thầm ở một mình. Khi chưa chứng Thánh quả thì không bao giờ chủ quan tin vào ý mình, luôn dựa vào tâm của đại chúng, thần lực và công đức của đại chúng để không phạm sai lầm.

– Thứ hai là phải có phước lớn. Không có phước, tâm ta trở nên yếu đuối. Lúc đó, ta giữ giới một cách bứt rứt, gượng ép, đau khổ. Muốn có phước lớn, nếu chỉ làm phước thôi không đủ, quan trọng hơn cả là ta phải chăm chỉ lễ bái Phật với lòng tôn kính tuyệt đối. Phật là đấng tối cao nên phước của Ngài là vô lượng, vô biên. Công hạnh lễ kính Phật sẽ tạo thành cái phước ngấm ngầm, tạo thành sức mạnh để người xuất gia nghiêm trì giới luật, ít có cơ hội phạm giới. Nên để giữ giới thì “công đức” là yếu tố rất quan trọng. Đừng vì tu lâu mà chủ quan, lơ là việc lễ kính Phật. Ngoài lễ kính Phật, trong đời sống ta còn phải tôn kính những bậc Trưởng thượng, bậc Tôn đức; phải biết yêu thương huynh đệ; biết giúp đỡ chúng sinh còn mê muội. Vô số cái phước từ đó mà được hình thành, giúp ta có sức mạnh để giữ giới.

– Yếu tố thứ ba giúp giữ giới là lòng từ bi. Đạo đức này tạo nên sức mạnh giúp ta giữ giới. Cho nên ngày nào ta cũng phải quỳ trước Phật lễ bái, khởi tâm từ bi yêu thương chúng sinh. Ngày một, ngày hai tâm này chưa thể khởi ngay lên được nhưng nếu cứ kiên trì lễ bái hằng ngày, vài năm sau, tâm từ bi sẽ xuất hiện. Lúc ấy, tự nhiên khi nhìn cỏ cây, hoa lá, chúng sinh, ta thấy thương. Nhờ tâm từ bi, yêu thương chúng sinh vô hạn mà tâm ta có sức mạnh, vượt qua mọi cám dỗ, nghịch cảnh, giữ được giới và đạo hạnh.

– Thứ tư là tâm khiêm hạ, luôn thấy mình nhỏ bé, tầm thường. Ai khiêm hạ không thấy mình là gì, người ấy đang đi đúng đường về vô ngã. Ai kiêu mạn thấy mình hơn người thì công đức sẽ từ từ bị phá hoại, người ấy sẽ sai phạm điều này điều kia cho đến khi phạm những giới nặng nhất rồi đọa luôn, đời sau rất khó trở lại. Hơn nữa, kiêu mạn cũng làm phát sinh tâm ái dục rất mạnh. Chỉ khi được tâm khiêm hạ, tâm ái dục mới lắng xuống và những tâm hạnh tốt nảy nở. Người đó cũng có ý chí giữ gìn giới luật hơn là người kiêu mạn ngất trời. Vậy nên, bằng mọi cách ta phải giữ sự khiêm hạ cho mình. Người giữ giới đúng thì vừa nghiêm trang mà vừa khiêm nhu, chứ không phải nghiêm trang mà cao ngạo, cố chấp, khó tánh.

Cuối cùng, phải hiểu rằng lãnh thêm một giới mới không phải là vinh quang mà là gánh trên vai mình thêm một trách nhiệm nặng nề với Phật pháp với chúng sinh. Đây cũng là một trong 4 điều thiêng liêng để ta gìn giữ Phật Pháp. Cụ thể: thứ nhất là chứng được quả Thánh; thứ hai là gìn giữ được giới hạnh; thứ ba là hoằng Pháp lợi sinh; thứ tư là khôn ngoan hộ Pháp. Một khi ta chọn Đạo pháp thì không cầu sự cung kính, cúng dường của người khác, nên đừng thấy được cung kính mà mừng, thay vào đó, hãy lãnh thọ thêm trách nhiệm với Phật pháp, với chúng sinh. Hãy xem giới pháp là một mắt xích thiêng liêng trong sự nghiệp giữ gìn Phật pháp cho muôn đời sau.

Tóm lại, ngoài 4 bốn yếu tố giữ cho Phật pháp được trường tồn thì giới luật của người xuất gia cũng rất quan trọng. Nhìn những người xuất gia có phẩm hạnh, có đạo đức, thân tướng đoan nghiêm, giới hạnh đàng hoàng… người ta mới có niềm tin vào Phật pháp, mới quý kính Tam bảo. Đó cũng là cái phước của người xuất gia, chưa thuyết Pháp gì nhiều, chỉ đạo hạnh thôi đã sinh ra công đức rồi.

Ai có bề dày của việc trì giới, giữ gìn giới hạnh thì người đó có nền tảng, có sức mạnh để sau này hoằng pháp, nói lên những lời đạo lý Phật dạy. Ai không có nền tảng của giới luật và phẩm hạnh, người đó không có sức mạnh để dạy dỗ chuyển hóa chúng sinh.

Theo thời gian, giới luật cũng có một số thay đổi để linh hoạt phù hợp với thời đại, tuy nhiên tinh thần của giới luật là mang đến cho chúng sinh hình ảnh một người xuất gia tu hành nghiêm trang cẩn túc thiêng liêng. Việc người xuất gia giữ giới cũng chính là giữ gìn đạo tâm cho chúng sinh. Đó là ý nghĩa lớn lao cao quý của giới luật.

Cần hiểu rằng ô nhiễm là bản năng tự nhiên của chúng sinh, giống như bản chất cuộc đời tự nhiên là đau khổ vậy. Nếu ta không có bề dày, không có công đức tu hành  thì bản năng sẽ trỗi lên làm ta phạm sai lầm, hay còn gọi là phạm giới.

Bên cạnh bốn yếu tố trên, còn một yếu tố rất quan trọng là thiền định, vì “Giới” sinh “Định” nhưng “Định” cũng giúp giữ gìn “Giới luật” – người có tâm thanh tịnh sẽ khó phạm giới hơn là người động loạn. Để củng cố giới thì lúc nào cũng phải củng cố TAM VÔ LẬU HỌC là Giới – Định – Tuệ. Tức ta dùng ý chí của giới để giữ giới, dùng cái tâm thanh tịnh từ thiền định để giữ giới và dùng trí tuệ để biết tội phước, nhân quả mà không phạm giới. Ba điều này phải thuần thục trong tâm từng ngày, từng tháng. Nghĩa là “Giới – Định – Tuệ” không phải 3 tầng bậc mà là một vòng tròn, chúng có mỗi quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, ta còn phải tuyên truyền, giúp mọi người biết tin Nhân quả. Việc khuyên bảo, ngăn chặn mọi người không phạm giới cũng cho ta cái phước giữ được giới luật. Thấy một người có nguy cơ phạm giới mà ta bỏ mặc, sau này ta cũng bị quả báo phạm giới. Cuộc đời này tầm thường, tạm bợ, phức tạp, hiểu rõ những đạo lý đến mức độ chi tiết vậy ta mới có thể tiến tu được.

Theo Thượng tọa, trong thời đại đầy sự cám dỗ, khi mà khoa học kĩ thuật cuốn phăng hết mọi thứ như bây giờ cũng là lúc con người cần tâm linh hơn bao giờ hết. Thiếu tâm linh, thế giới sẽ tận diệt. Ngày nay, những vị đăng đàn thọ giới chính là những người giữ viền mối tâm linh, đạo đức cho thế giới này. Đây là trách nhiệm cao cả của tất cả giới tử.

Dịp này, Thượng toạ mong các vị giới tử đắc được giới thể thiêng liêng, thành tựu giới tướng trang nghiêm để làm chỗ nương tựa cho chúng sinh và cũng là công đức giúp chính mình được chứng Thánh quả.

Thật sự, Giới luật là vấn đề được Thượng tọa nhắc đến rất nhiều trong các bài Pháp đã giảng Nhưng nói một cách chi tiết, cụ thể, đi vào từng điều vi tế như thế này thì chỉ có giảng giải cho hàng giới tử trước khi thọ giới bước lên tầng cao mới trong cuộc đời tu hành, khi được Giới sư trao cho chiếc bè giới pháp. Tuy nhiên, đây thực sự là một bài Pháp khó, không phải ai cũng có thể nghe và hiểu một cách thấu đáo, đúng đắn được.

Nhưng muốn đắc được giới thể thiêng liêng, thành tựu được tướng giới trang nghiêm, trở thành chỗ dựa cho chúng sinh thì giới tử phải có phước lớn giúp gìn giữ nội tâm. Giữ giới là sự chiến đấu với nội tâm, với chính tham, sân, si, với kiết sử, với tập khí của mình. Không có chuyện hôm nay thọ giới là ngày mai chắc chắn trong sạch. Phải hiểu rằng hôm nay thọ giới rồi, suốt cuộc đời còn lại là sự chiến đấu vất vả, mà chính điều này mới thành công đức, thành uy đức khiến quỷ thần cũng phải kiêng nể người trì giới trong sạch.

Trước khi kết thúc buổi giáo giới, Thượng toạ bày tỏ lòng thương mến đến các giới tử – những người đang thay thế chư Tôn đức gánh vác con đường Phật đạo, hoằng dương Phật pháp. Người hy vọng chính các giới tử hôm nay sẽ trở thành những người có uy đức, có công đức tu hành, có giới đức đủ sức truyền cảm hứng cho bao thế hệ đi sau cùng noi gương mà giữ giới. Việc giữ được giới hạnh tức là giữ được niềm tin cho quần chúng. Khi quần chúng có niềm tin với tu sĩ, người ta sẽ có niềm tin với Tam Bảo. Nhờ vậy mà Phật pháp còn trường tồn. Có thể nói, Giới luật còn thì Phật pháp còn.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất