Thứ Bảy, Tháng Năm 11, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNghiệm lại những gì ta mang đến kiếp này - bài giảng...

Nghiệm lại những gì ta mang đến kiếp này – bài giảng 30 Tết 2020

-

“NGHIỆM LẠI NHỮNG GÌ TA MANG ĐẾN KIẾP NÀY”

BÀI GIẢNG ĐÊM GIAO THỪA XUÂN CANH TÝ

Ngày cuối năm thung lũng núi Dinh còn se lạnh, nhưng hàng nghìn con người đã tụ hội về đây mang theo bao tấm lòng, làm cho núi rừng như ấm lại. Trong đêm giao thừa, khi người người, nhà nhà đang sum vầy thì vẫn có những Phật tử đã tạm xa gia đình để về Thiền Tôn Phật Quang (Núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đón năm mới, cùng trao nhau đạo tình ấm áp và cùng đón nhận món quà đạo lý từ Thượng tọa trụ trì vào lúc 21h00 tối  ngày 24/01/2020 (nhằm ngày 30/12 ÂL).

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa tản mạn về ý nghĩa của phước và tội. Theo Thượng tọa, sức mạnh của nghiệp cứ đẩy ta đi trong luân hồi không dừng lại được. Khi làm điều ác (có tội) thì ta bị thu hẹp sự chọn lựa, còn khi làm điều thiện (có phước) thì ta được quyền chọn lựa. Ví dụ, người nặng nghiệp thì không được chọn gì khác ngoài cuộc sống cơ hàn khốn khó, còn người đầy phước thì được chọn, nếu thích sống đơn giản họ có thể sống đơn giản như ý muốn, còn muốn sống cao sang họ vẫn sống một cách thoải mái được. Cho nên phước càng nhiều càng được chọn lựa nhiều.

Trong đó ta cũng được chọn lựa sự giải thoát, tức là thay vì chọn hưởng thụ phước báo thì chọn con đường tâm linh giác ngộ. Đây là sự lựa chọn cao cả nhất, vượt hơn mọi sự lựa chọn trên đời. Dĩ nhiên để chọn được con đường giác ngộ thì ta cũng phải có một số phước kha khá, người phước mỏng khó mà bước trên con đường thiêng liêng ấy.

Đi vào nội dung bài giảng, Thượng tọa chia sẻ: cuối năm là quãng thời gian con người thường nghiệm lại những điều mình đã làm trong năm qua, vì vậy nhân đây Thượng tọa cũng nói đến một ý nghĩa cao hơn đó là “Nghiệm lại những gì ta mang đến cho kiếp này”.

Thứ nhất, ta mang theo “nghiệp chướng” của mình từ những kiếp xưa. Và người nặng nghiệp sẽ là gánh nặng của gia đình, của cả xã hội. Cái cay đắng là vậy. Ví dụ, một người bệnh tật liên miên thì cũng kéo cả gia đình hay cả cộng đồng vất vả theo

Điều thứ hai ta mang đến là “phước”. Như đã nói ở trên, người có phước luôn có nhiều lựa chọn. Hơn nữa, vì họ xinh đẹp, giàu có, thông minh, tài năng… nên họ còn gây được ảnh hưởng vào cuộc đời kẻ khác. Nếu họ chọn điều tốt thì xem như rất nhiều người được hưởng lợi ích, còn nếu họ chọn làm điều xấu thì thật là một tai họa cho xã hội.

Thứ ba, ta mang theo những “tập khí” xấu từ vô lượng kiếp. Trách nhiệm của chúng ta là tu tập, gột rửa tâm hồn mình, đừng để những tập khí này chực chờ đẩy ta vào tội lỗi.

Thứ tư, ta mang theo nhiều “đức tính tốt” từ kiếp trước đến với kiếp này, dù phước có thể chưa nhiều lắm nhưng chắc chắn sự hiện diện của ta vẫn là niềm hạnh phúc với những người xung quanh.

Thứ năm, ta mang theo những “tâm nguyện” tư riêng từ kiếp trước, khi tốt khi xấu. Có những tâm niệm rất ích kỷ, cũng có những tâm nguyện cao cả vị tha. Những ai đã từng phát khởi những tâm nguyện vĩ đại thì qua nhiều kiếp họ luôn sống tử tế, sống có lý tưởng. Tâm nguyện ấy cứ bí mật dẫn họ đi mãi hết kiếp này đến kiếp kia, giúp họ bồi tạo nhiều công đức, dần đưa họ bước lên đến những thân phận rất lớn lao.

Đến với Phật pháp, Phật cho ta cả bầu trời đạo lý mênh mông với bao nhiêu lý tưởng cao đẹp của vũ trụ này, xây dựng cho ta những tâm nguyện định hướng cho đời mình mãi mãi về sau. Có thể nói, duyên phúc lớn nhất cuộc đời này là gặp được Phật pháp.

Trong thế giới thiện ác lẫn lộn này, chúng ta cần rất nhiều người giữ chặt lập trường về điều thiện, không bao giờ bị lung lay bởi điều ác, không bao giờ ngã lòng trước nghịch cảnh, luôn sáng rực thiện pháp trong tâm để có thể tỏa điều thiện, lan tỏa Chánh Pháp đi muôn nơi. Hoằng truyền Chánh Pháp là điều thiện tối thượng. Mà để làm được như thế thì thứ nhất chúng ta phải học hỏi đạo lý để có Chánh Kiến. Thứ hai, phải thật lòng tu tập để đạo lý của Phật trở thành xương thịt của mình, còn mới nghe hiểu chứ chưa thực hành thì ta không nên chia sẻ cho ai cả.  

Trước khi kết thúc bài giảng, Thượng tọa gửi tặng thính chúng bài thơ do Người cảm tác:

Ta sẽ mang gì đến năm sau?

Để không còn đó những lo âu

Để không còn những điều sai trái

Để một năm dài bớt khổ đau.

 

Ta sẽ mang gì cho kiếp sau?

Xin mang Phật pháp đến cho nhau

Gói trong một khối tình thương lớn

Hẹn ước cùng nhau đi rất lâu.

Ngày cuối năm quả thực luôn gợi cho chúng ta suy tư về dòng thời gian trôi chảy và những gì mà mình đã mang đến kiếp sống này. Hy vọng tất cả chúng ta đi qua cuộc đời đều để lại tình thương yêu, đạo đức, sự cống hiến, hy sinh và đạo lý cao đẹp. Được như vậy là ta đã sống một đời không uổng phí.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 8/5/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất