Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápBình Định: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại Tổ đình...

Bình Định: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại Tổ đình Thiên Đức

-

Tối ngày 09/4/2022 (nhằm ngày mùng 09/3/năm nhâm Dần), nhân lễ húy kỵ của cố Trưởng lão Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Nhơn –  nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh – Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN – Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Bình Định – Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định – Viện chủ Tổ đình Thiên Đức, TT. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã thay mặt cho huynh đệ hàng môn đồ đệ tử có bài Pháp thoại tựa đề ĐỨC ĐỘ THIÊN THU dâng lên cúng dường Tam Bảo, cúng dường cố Hòa thượng Tôn sư và cúng dường lên Chư tôn thiền đức Tăng Ni cũng như quý Phật tử đang hiện diện trong Pháp hội tại Tổ đình Thiên Đức (thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

 Mới đó mà đã chín năm, cố Trưởng lão Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Nhơn – một bậc thạch trụ của GHPGVN tỉnh Bình Định nhẹ bước lên đường về cõi Phật. Tuy Ngài đã đi xa nhưng tinh thần phục vụ Đạo pháp và Dân tộc suốt đời của Ngài vẫn còn lưu mãi với non sông đất nước, với GHPGVN, với đông đảo Tăng Ni, Phật tử và với Tổ đình Thiên Đức lâu nay và mai sau.

Trong không khí trang nghiêm, đúng 19h00 là chương trình thuyết Pháp do Thượng tọa Thích Chân Quang đảm trách.

Trước khi thuyết giảng TT. Thích Chân Quang đã thực hiện nghi thức niệm hương bạch Phật, bạch Tổ, lạy tạ ân đức trước Giác linh của cố Hòa thượng Tôn sư và báo công sau khi hoàn thành học vị Tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội trước sự chứng minh của Chư tôn đức tại Tổ đường chùa Thiên Đức, nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các thế hệ tiền nhân đi trước. Đạo lý uống nước nhớ nguồn ngay trong giờ phút thiêng liêng này càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

Dù thành công trên con đường tu tập, hoằng Pháp, đỗ đạt học vấn cao, nhưng Thượng tọa vẫn rất khiêm tốn, không quên cội nguồn, gốc rễ, cũng như luôn ghi nhớ công ơn, những tình cảm tốt đẹp mà người khác dành cho mình. Mỗi cái cúi lạy, mỗi lời cảm ơn của Người, là một bài học đạo đức sâu sắc, nhắc nhở hàng đệ tử, Phật tử, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Buổi Pháp thoại có sự tham dự và chứng minh của: TT. Thích Nhuận Huệ – Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, Trụ trì Tổ đình Long Đức; TT. Thích Quảng Thuận – Viện chủ chùa Trúc Lâm (thành phố Quy Nhơn); TT. Thích Quảng Tuấn – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông; ĐĐ. Thích Nhuận Trí – Ủy viên Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Trưởng BTS PG huyện Tuy Phước, Trụ trì Tổ đình Thiên Đức và Chư tôn đức là đệ tử môn hạ của Tổ đình; Chư tôn đức Tăng Ni các Chùa, cùng đông đảo Phật tử đến từ nhiều tỉnh thành. Ngoài ra còn có các Đạo tràng và Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang tại TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, Ninh Thuận, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình đồng tham dự.

Mở đầu là tiết mục hát BÓNG TÙNG MÃI MÃI do Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang Đà Nẵng biểu diễn đã nêu bật ý nghĩa về sự thiêng liêng của tình Thầy trò. Dẫu biết đời dâu bể vô thường, nhưng công đức của người Thầy vẫn phủ trùm trong cuộc đời của mỗi người đệ tử. Cho nên đền ơn Thầy là quyết tâm giữ gìn và phát huy sự nghiệp của Thầy tổ cho mỗi ngày một rạng rỡ hơn.

Mênh mông Thầy ngồi như ánh trăng
Non cao trầm mặc, không nói năng
Chúng con theo bước chân Thầy
Thiêng liêng đạo vàng luôn đắp xây… (trích lời bài hát Bóng Tùng Mãi Mãi)

Tiếp đến, ĐĐ. Thích Nhuận Trí giới thiệu đôi nét về Thượng tọa Giảng sư đến với toàn thể hội chúng. Đây là vị Tăng tài đã thành công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt phạm vi hoằng pháp ngày càng mở rộng dưới nhiều hình thức, đã gặt hái kết quả khả quan, tạo nên các giá trị đạo đức nhân văn được xã hội ghi nhận. Đặc biệt hơn nữa là Thượng tọa vừa chính thức đạt học vị Tiến sĩ ở tuổi ngoài 60, sau khi xuất sắc bảo vệ thành công luận án về đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và phát luật Việt Nam” tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Dịp này, ĐĐ. Thích Nhuận Trí đại diện cho Chư tôn đức tại Tổ đình trao tặng lẵng hoa chúc mừng Thượng tọa Giảng sư; và Sư Cô chùa Cảnh Phước (Phú Yên) cũng gửi quà chúc mừng đến Thượng tọa. Ngoài ra, đại diện các Đạo tràng lân cận như Đạo tràng Phật Khánh, Phật Giác, CTN Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum đồng cung kính tặng hoa chúc mừng vị Thầy Bổn sư của mình.

Tiếp đến, mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đã tôn vinh về người Thầy, và cũng là nhắc nhở về đạo làm trò. Thượng tọa chia sẻ: cố Trưởng lão Hòa thượng là con người cả đời chân tu, đạo hạnh sâu dày; là người nối truyền của Đức Phật, đã sống như lời Phật dạy, cả một đời từ bi, khiêm hạ, vô ngã. Những điều tưởng chừng như chỉ được nghe qua lý thuyết thì đều hiện ra sống động nơi đời sống đạo hạnh của Người.

Là Trưởng Ban Trị sự của một tỉnh, uy đức, uy tín của Người rất lớn, khiến ai cũng kính trọng, yêu mến. Không chỉ kính Phật, yêu thương chúng sinh, Người còn là một người yêu nước, có quan điểm chính trị cực kì vững chắc. Bằng cái nhìn sắc bén, độc đáo, Người hiểu hết luôn cả con người, xã hội, thế giới này. Trong việc tu hành, Người rất nguyên tắc, nghiêm khắc, nhưng trong việc đối nhân xử thế, Người lại rất linh hoạt, tinh tế. Khác với những người thầy khác, Người còn vượt qua khỏi những quy chuẩn, cái cố chấp bình thường để bày tỏ tình yêu thương với người dưới mình như sự việc Hòa thượng đã lặn lội lên núi để thăm Thượng tọa Thích Chân Quang. Vì vậy trong niềm xúc động, ngay nơi chánh điện chùa, Thượng tọa đã đắp y quỳ lạy xin được làm đệ tử của Hòa thượng, bởi cảm được đức độ vĩ đại của Người.

Thực sự, Người đã mang theo cả một bầu trời đạo lý mà ta dù học cả đời cũng không hết. Lòng từ bi của Người mênh mông, yêu thương rộng khắp chúng sinh một cách tự nhiên, như ánh sáng trên bầu trời. Chúng ta học theo Người được nhưng chưa chắc đã làm được. Bổn phận của người học trò là ta phải cố học và thực hiện theo cho bằng được. Tuy nhiên, không phải người học trò nào cũng học được hết tài đức của Thầy. Chỉ những người rất thông minh, tinh tế mới phát hiện những điều cao quý nơi Thầy mình, để đón nhận, biến chúng thành tài sản của bản thân.

Thượng tọa khẳng định, Thầy giỏi thì trò cũng phải giỏi mới nối được nghiệp của Thầy mình. Người học trò mà hời hợt, cạn cợt, không tinh ý bám theo Thầy mình học từng chút một, không sâu sắc thật sự hiểu Thầy mình, thật là uổng phí. Người Thầy không chỉ dạy bằng lời nói, mà dạy thông qua 3 phương diện: một là lời nói, hai là hành động, ba là một đời sống đạo hạnh cao cả. Ai may mắn được làm đệ tử của Thầy, sẽ học được những điều cao quý nơi Thầy, khiến cuộc đời ta thay đổi tốt đẹp hơn, tiến dần đến Thánh vị cao siêu.

Trong sự thay đổi ấy, điều dễ thấy nhất là sự thay đổi của tâm hồn. Dần dần, lời nói, hành động của ta cũng thay đổi theo. Hơn nữa, học theo Thầy mình, làm các hoạt động Phật sự, ta cũng được phước lớn. Trong vòng tay của Thầy, được Thầy chỉ bảo, dìu dắt, ta yên tâm tu học mà không phải lo lắng điều gì.

Với những người đệ tử, cho dù Thầy mình không còn có mặt trên đời, nhưng hãy hiểu rằng Thầy chưa bao giờ rời mắt khỏi ta và đừng làm điều gì khiến Thầy buồn. Vì vậy, ta hãy tự đánh giá điều mình làm là đúng hay sai, sẽ khiến Thầy mình buồn hay vui…

Để đền ơn Phật, đền ơn Thầy, ta cần mang đạo lý đi vào ba nơi:

– Thứ nhất là đời sống: Ta giữ gìn thân khẩu ý, không tạo tội, giữ gìn tư cách của mình.

– Thứ hai là tâm linh: ta phải khai mở được tâm linh thiền định. Mà tu thiền rất tinh vi, tế nhị, đòi hỏi người tu phải có đủ 3 điều kiện: một là phải là con người mới có bộ não đúng cấu trúc để nhập thiền; hai là phải thông minh; ba là phải tìm đúng phương pháp. Thiếu một trong ba điều kiện, ta không bao giờ vào thiền được. Vấn đề tâm linh rất lớn, con đường đi vào tâm linh rất cao siêu, nên đừng ai chủ quan, kiêu ngạo. Dấu hiệu của một người đạt được tâm linh là khiêm hạ, luôn tôn trọng, yêu thương mọi người.

– Thứ ba là cộng đồng chung quanh: phải làm sao mang lời dạy của Phật, của Thầy mình đi vào muôn nẻo đường đời, khiến chúng sinh nơi nơi đều thấm nhuần Phật pháp.

Đạo lý phải đi vào ba nơi đó: vào đời sống đạo đức, vào tâm linh và vào cộng đồng, chứ không bao giờ được dừng lại ở nơi mình.

Hiện nay tình trạng chùa chiền đìu hiu bỏ không, ít người lui tới khá phổ biến. Đây là nỗi buồn cho cả Phật giáo, cũng là cái lỗi rất lớn của chúng ta đối với chư Phật, với Thầy tổ của mình. Ta đã không làm tròn bổn phận hoằng truyền chánh pháp, để cho chúng sinh quay lưng với đạo lý thiêng liêng.

Ta tu làm sao để đạt được lòng từ bi như của Hòa thượng, yêu thương, giáo hóa được tất cả chúng sinh. Việc này rất khó, mất nhiều thời gian, công sức, nhưng ta phải quyết tu bằng được bởi không quyết tu thì tâm từ bi sẽ không xuất hiện. Mà người Thầy có tâm từ bi thì Phật tử mới tìm đến học. Có vậy, ta mới không có lỗi với Phật pháp và Thầy tổ của mình.

Thượng tọa cũng nhắc nhở việc ta tách ra khỏi Thầy mình để làm trụ trì nơi khác, làm thầy của một cõi cũng gây bất lợi cho Phật pháp, khiến cho chùa đơn chiếc, không làm được những hoạt động Phật sự lớn lao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đạo Phật suy yếu. Nên nếu có tách, ta cũng không thật sự rời đi, lúc nào cũng phải dõi theo, hỗ trợ công tác Phật sự ở Tổ đình khi cần thiết.

Mong rằng hàng đệ tử đời sau luôn tưởng nhớ ân đức của Hòa thượng và đức độ của Người sẽ trở thành tấm gương, thành động lực, thành sức sống cho chúng ta từng ngày đi tới, tu hành. Hãy biến lời dạy của Hòa thượng thành cuộc đời, thành tâm linh của mình và thành lợi ích cho cộng đồng chung quanh mình. 

Những lời chia sẻ của Thượng tọa khiến người nghe thực sự xúc động. Ẩn trong mỗi lời nói là tình cảm yêu kính Thượng tọa dành cho người Thầy của mình. Tuy chỉ là những mẩu chuyện đơn sơ nhưng cũng đủ để mọi người thấy được trí tuệ, đạo hạnh của cố Trưởng lão Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Nhơn. Người ra đi thật sự là mất mát rất lớn của Phật pháp, cũng như hàng đệ tử Phật sau này. Ân đức, đức độ của cố Hòa thượng là tấm gương, động lực, sức sống cho mọi người học tập, tu hành, tiến bước trên cuộc đời. Nhiệm vụ của người đệ tử chính là biến lời dạy của Thầy thành cuộc đời, cuộc sống tâm linh của mình. Đồng thời, khéo léo lan tỏa chúng vào cộng đồng xung quanh. Được vậy là ta đang làm đúng lời dạy của Hòa thượng, làm lợi cho chúng sinh rộng khắp. Từ đó, chùa sẽ trở thành bến bờ, thành tổ ấm, thành suối nguồn, và là nơi mà mọi người luôn muốn tìm về nương tựa./.

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất