Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Bồ Tát hộ pháp

-

Vào ngày 07/10/2018 (nhằm ngày 28/08/ năm Mậu Tuất), nhân Khóa tu thiền hàng tháng tại chùa Từ Tân (số 90/153, Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ.GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng đề tài “BỒ TÁT HỘ PHÁP” cho gần 1.000 thiền sinh và gần 2.000 phật tử xa gần đồng tham dự.

Bài Pháp thoại đã hé mở về công hạnh hộ trì (bảo vệ) chánh Pháp của những vị Bồ tát, vốn là một bí ẩn đối với trí tuệ phàm phu. Đồng thời cũng gợi mở những việc rất cụ thể mà mỗi người đệ tử Phật cần làm nhằm bảo vệ Phật pháp, dù trong phạm vi, khả năng nhỏ bé của mình.

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa đã lý giải tại sao phải hộ trì chánh Pháp? Có thể thấy rằng từ thời Đức Phật, đạo Phật đã đương đầu với vô số sự chống phá hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, nhưng đều dai dẳng và khốc liệt. Chánh Pháp đến với thế gian giống như ánh mặt trời chiếu soi cả màn đêm tăm tối, để rồi biết bao nhiêu thân phận thấp hèn được nâng dậy, biết bao tâm hồn tội lỗi được khai sáng, giác ngộ. Do vậy, luôn có những kẻ dã tâm muốn dập tắt nguồn ánh sáng đó. Thế nên trách nhiệm của mỗi người đệ tử Phật, không phân biệt hình thức xuất gia hay tại gia đều là một chiến sĩ hộ trì chánh Pháp cho muôn đời sau. 

Nói về việc “hộ trì chánh Pháp”, Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ cụ thể, có thực trong cuộc sống và đặt câu hỏi để tạo sự chú ý, dẫn dắt người nghe hiểu rằng: những thứ gì ta có được trên đời như tài sản, tình cảm, địa vị, v.v… ta đều phải sử dụng hết sức đúng đắn.

Đừng phung phí, đừng hà tiện, và phải biết bảo vệ. Huống hồ Phật Pháp là điều thiêng liêng quý giá vượt hơn mọi điều quý giá trên đời, thì chúng ta càng phải gìn giữ, hộ trì. 

“Đừng phung phí” Phật Pháp, nghĩa là đừng khoe khoang cái kiến giải, cái hiểu đạo lý của mình. Chỉ nên chia sẻ đúng người, đúng nơi, đúng lúc. Hơn nữa, chính mình phải hàm dưỡng, phải thực hành tu tập trước. Còn “không hà tiện” Phật pháp, nghĩa là không giấu giếm, trái lại luôn tìm cơ hội, luôn khát khao chia sẻ chánh Pháp đến mọi người. 

Cuối cùng, “bảo vệ Phật Pháp” là công đức khó làm nhất. Các vị Bồ tát trên cao vì nhìn được cả đại thể Phật Pháp nên các Ngài sẽ hộ trì chánh Pháp ở cấp độ lớn lao, còn chúng ta là từng con người tầm thường yếu đuối, tuy vậy ta cũng phải thực hiện công hạnh này dù trong phạm vi, trong khả năng bé mọn của mình. 

Do vậy, Thượng tọa hay dạy cho mọi người, nhất là giới trẻ một triết lý sống vô cùng thâm thúy là: Hãy biết suy nghĩ lớn nhưng cố gắng làm từng việc nhỏ (Think big but do little by little). Đây là nguyên tắc của thành công và hạnh phúc

Ở đây, mức độ nhỏ nhất của việc bảo vệ Phật Pháp là gìn giữ sự tu hành, bảo vệ đạo tâm cho những huynh đệ bạn đạo chung quanh mình. Nghĩa là thường trông ngó, thăm hỏi để kịp thời biết được: nếu như huynh đệ xao lãng giãi đãi; hoặc đã tin theo tà kiến rơi vào trạng thái lệch lạc; hoặc đã nghe lời rỉ tai tác động mà thối tâm, bỏ tu… thì ta cố gắng giải thích, thuyết phục, vực lại đạo tâm cho huynh đệ.

Ở cấp độ lớn hơn, ta gìn giữ nề nếp cho ngôi chùa mình bằng cách tới lui tu tập, giữ sự ổn định cho Khóa tu; hoặc bảo vệ Thầy mình khỏi sự nói xấu của kẻ ác tâm; hoặc phải cân nhắc, làm gì đó cho người mới họ phát tâm tu, làm cho họ sanh tâm kính Phật trọng Tăng, đây cũng là cách ta hộ trì chánh Pháp. Thậm chí ta còn bảo vệ thời khóa tại nhà của từng huynh đệ. Ai làm được những công đức này… người đó chính là vị hộ Pháp sơ cơ trên cuộc đời này. 

Còn những Bồ tát hộ Pháp thật sự thì các Ngài ở trên cao, dù giấu mặt nhưng luôn luôn dõi theo, luôn gìn giữ bảo vệ sự tu tập cho chúng sinh. Các Ngài không bỏ sót một chúng sinh nào, miễn chúng sinh đó có phát tâm tu hành. Các Ngài âm thầm quan sát, tính toán, sắp xếp mọi chuyện. Ví dụ có những khi ta giữ được thời khóa công phu, hoặc làm được một số công đức thì đừng tưởng mình giỏi, thật ra đó không phải do ý mình mà do chư Bồ tát đã âm thầm tác ý. 

Chúng ta càng tinh tấn trong chánh Pháp bao nhiêu thì các Ngài càng yêu thương che chở bấy nhiêu, chỉ sợ chính mình không có lòng mà thôi. Ban đầu, ta chỉ một lòng tôn kính Phật tột cùng, luôn khiêm hạ thấy mình như đất bụi, vậy mà các Ngài cho ta cả trời đất bao la, cho ta lòng từ bi chân chính, cho ta một trí tuệ minh triết nhiệm màu. 

Và trong bài pháp thoại này, Thượng tọa cũng trình bày tại sao có những giai đoạn Phật pháp suy tàn mà các vị Bồ tát để yên không can thiệp, không dựng lại đạo Phật? Hoặc tại sao có những ngôi chùa rất đông người đến hành hương, lễ bái, tu học; tại sao có ngôi chùa lại vắng tanh. Và Người đã đưa ra một lời giải đáp rốt ráo về nguyên nhân của những sự việc trên.

Tóm lại, công hạnh hộ pháp của các vị Bồ tát còn rất nhiều bí ẩn vĩ đại mà trí tuệ chúng ta chưa thể chạm đến được. Tuy nhiên, ta biết rằng tất cả chúng sinh không đơn độc trên con đường này, vì luôn có các vị Bồ tát dõi theo, hộ trì và giúp đỡ. Các vị ấy không từ chối một chúng sinh nào hết. Chỉ cần chúng ta có niềm tin và quyết tâm tu tập thì cuối cùng ai cũng đi đến được sự giải thoát, giác ngộ. 

Hơn nữa, giữa cuộc đời thiện – ác đầy bộn bề, đi theo con đường của các Ngài, chúng ta hãy nỗ lực bảo vệ sự tu tập, gìn giữ đạo tâm cho huynh đệ, cho bất cứ ai mà ta có duyên trên cuộc đời này. Đó cũng là phần nào ta thực hiện công hạnh hộ Pháp ở tầm cao./. 

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất