Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápĐà Nẵng: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Quán Thế...

Đà Nẵng: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Quán Thế Âm

-

Vừa qua, nhân Lễ hội Quán Thế Âm, vào ngày 24/03/2019 (nhằm ngày 19 tháng 02 năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của TT. Thích Huệ Vinh – Trưởng Ban Văn Hóa GHPGVN TP. Đà Nẵng, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm hướng dẫn Thiền và thuyết giảng cho hàng nghìn Phật tử cùng khách hành hương tham dự Lễ hội.

Nhiều năm qua, Lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã được TT. Thích Huệ Vinh tổ chức thành công. Những hoạt động tâm linh tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc và tính nhân văn này đã thu hút sự tham dự của hàng vạn người bao gồm Chư Tăng Ni, Phật tử cùng du khách.

Tuy nhiên, giữa không khí Lễ hội rộn ràng, Thượng tọa Trụ trì vẫn cảm nhận rằng phải có thời khóa hướng dẫn tu để làm cốt lõi, làm trái tim của Lễ hội. Vì vậy, hàng năm Người đã thỉnh mời TT. Thích Chân Quang về tổ chức hướng dẫn Thiền, cũng như chia sẻ đạo lý cho các Phật tử vào mỗi chiều ngày 19/02 âm lịch.

Thật vậy, ngôi chùa Quán Thế Âm nằm dưới chân ngọn Kim Sơn thuộc dãy núi Ngũ Hành Sơn từ lâu đã trở thành nét đẹp riêng của thành phố Đà Nẵng. Với nhiều hoạt động Lễ hội phong phú, không gian thoáng đãng, non nước hữu tình đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham dự. Hoạt động ý nghĩa này nhằm cầu quốc thái dân an, phục hồi văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng rộng rãi. Đặc biệt, năm nay Lễ hội được đánh giá cao về khâu vệ sinh. Rác được phân loại kĩ lưỡng cẩn thận, các thanh niên thuộc Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang mải miết nhặt rác, mang lại một không gian sạch đẹp, văn minh nơi trước và sau diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm.

Đồng thời, trong ba năm vừa qua, vào mỗi dịp Lễ hội Quán Âm, TT Thích Chân Quang lại về với mảnh đất miền Trung và có buổi hướng dẫn thiền, chia sẻ Pháp thoại cho các Phật tử gần xa. Động thái này tạo nên nguồn năng lượng rất lớn cho Lễ hội, như lời TT Thích Huệ Vinh đã cảm thán.

Năm nay, đầu buổi thuyết giảng, TT Thích Chân Quang đã bày tỏ sự tri ân trước tấm lòng, đức khiêm tốn hết mực của TT Thích Huệ Vinh – Trụ trì chùa Quán Thế Âm.

Về sự tôn kính đối với Bồ tát Quán Thế Âm, Thượng tọa cho rằng rất nhiều người vào lúc khó khăn đã niệm danh hiệu Ngài và tự nhiên tìm được cánh cửa, tìm được con đường mở ra để họ vượt qua trở ngại. Lòng đại bi của Bồ tát là không thể đo lường được.

Như những năm trước, năm nay Thượng tọa Giảng sư cũng tiếp tục loạt bài giảng về Thiền. Bài Pháp khẳng định tu thiền là đi đúng với con đường Phật dạy ngày xưa. Tuy nhiên, “Thiền” là cái lõi của đạo Phật, là đỉnh cao của sự tu tập trong đạo Phật nên rất khó. Tuy nói Thiền là cái lõi của đạo Phật, nhưng nếu chỉ có cái lõi thì cây không sống được, mà phải có rễ, thân, lớp giáp bên ngoài, vỏ cây, cành, lá, hoa trái, nước tưới, không khí, v.v… Cũng vậy, Thiền là cái lõi của đạo Phật, nhưng bao quanh cái lõi đó cần có rất nhiều công hạnh khác.

Ví dụ một người tu Thiền nhưng vẫn phải kính Phật, tụng kinh, bố thí, và công quả lao tác phụ chùa, tức là làm vô số điều phúc lành… thì cái lõi Thiền định đó mới lớn dần lên được.

Để hiểu rõ về “Thiền”, phần mở đầu, Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ dẫn dắt rằng: Đạo Phật có nhiều pháp tu (tụng kinh, lễ phật, niệm phật, trì chú, bố thí…) tùy trình độ và tùy con người. Và dù tu pháp môn nào vẫn phải quy đồng nơi Thiền định cả. Do đó, khi nghe ai tu pháp môn gì chúng ta cũng hoan hỉ, bao dung, đón nhận hết, vì biết rằng cuối cùng đều gặp nhau ở Thiền định mà thôi.

Đức Phật đắc đạo nhờ thiền. Suốt 45 năm giáo hóa Ngài cũng dạy thiền. Thiền là nguồn sức mạnh vô hình gìn giữ đạo Phật suốt mấy nghìn năm qua.

Thế nhưng cách Phật đã xa, xuất hiện hai vấn đề rất lớn. Thứ nhất là phát sinh nhiều kĩ thuật, phương pháp khác nhau không còn giống như thời Đức Phật. Thứ hai là việc nhiếp tâm trong thiền cực kì khó khăn, nên rất nhiều người đã bỏ thiền. Và đạo Phật suy yếu dần do thiếu người tu tập thiền định.

Tại sao nhiếp tâm lại quá sức khó khăn? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lớn là vì ta không hiểu tâm mình là gì nên không nhiếp phục được, cũng giống như một bác sĩ không rõ bệnh của bệnh nhân thì làm sao chữa trị.

Đến đây, Thượng tọa đặt câu hỏi “Tâm là gì?”. Thật ra trên thế giới chưa có ngành nào nghiên cứu về tâm thức sâu xa cả. Một số lý thuyết nói về tâm cũng thay phiên xuất hiện, tuy nhiên cũng không chắc chắn đúng. Mà ai đi theo lý thuyết sai thì đường tu chắc chắn gãy đổ, biết bao công sức lạc đường hư vô. Vì vậy, việc tìm được một lý thuyết đúng là cực kì quan trọng.

Để hiểu “Tâm là gì?” Thượng tọa vừa diễn đạt chặt chẽ, súc tích hợp lý; vừa nêu bật đầy đủ ý nghĩa khi liệt kê một vài lý thuyết về tâm cho thính chúng nhận xét, lựa chọn.

  • Đầu tiên, có người nói rằng “Tâm là Phật”. Ngược lại, có người khẳng định: “Tâm này chỉ là vô minh, chứa đầy tham – sân si – ích kỷ”.

Đối với hai quan điểm này, Thượng tọa không phân tích, chỉ nêu hệ quả của hai cách hiểu trên sẽ đưa ta đi đâu. Ai cho rằng “tâm là Phật” thì sẽ phát sinh tâm lý chủ quan, kiêu mạn và hết phước. Còn người nói “tâm còn đầy vô minh – sân – si” thì xuất hiện tâm lý khiêm hạ. Người này được cái phước của sự khiêm hạ, rồi sẽ đi đúng con đường, tích lũy công đức, qua nhiều năm tháng sẽ nhiếp tâm thanh tịnh được.

Tiếp theo, Thượng tọa phân tích tại sao tâm này là vô minh. Vì còn vô minh nên mới phải tu tập để chấm dứt vô minh. Cho đến khi tâm thanh tịnh rồi, thậm chí xuất hiện thần thông rồi, vẫn không chủ quan ngạo mạn vì biết vô minh chưa tan. Tâm là vô minh – đó là tiền đề đầu tiên về tâm, là cái biết căn bản, đúng đắn nhất về tâm.

Từ cái gốc vô minh này mà nhiều tầng lớp hiện ra, đó là bản năng (kiết sử), cạn hơn một chút là triền cái, cạn hơn một chút nữa là thói quen xấu (tập khí). Đây là những khái niệm dễ bị nhầm lẫn với nhau. Phần tiếp theo bài giảng, Thượng tọa đi vào phân tích để thính chúng nhận biết sự khác nhau giữa những phạm trù này.

Tiếp đến, Thượng tọa đi qua nhiều ví dụ và khẳng định rằng: ai tu tập thiền định theo con đường của Phật dạy để diệt trừ vô minh thì nhất định phải biết được cái sai ở trong tâm mình. Nếu không thấy sai, không thấy lỗi thì không tiến tu được. Cũng như không dẹp được những chướng ngại vật trên con đường thì làm sao tiến đến đích. Cho nên, ai nhận rõ cái sai trong tâm mình, người ấy sẽ tiếp tục bước đến, và không sợ vấp ngã. Có ba vấp ngã chính, thứ nhất là điên loạn mất nhân cách; thứ hai là vi phạm đạo đức; thứ ba là rơi vào những bệnh làm mất năng lực cơ thể.

Lại nữa, nói về lợi ích của thiền, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng: “Tu để thanh tịnh nội tâm, nhưng một nội tâm thanh tịnh thì có ích gì khi mọi công trình của nhân loại đều phải do suy nghĩ tính toán mà thành? Vậy tu thiền có phải đi ngược lại với văn minh nhân loại hay không?”. Theo Thượng tọa, ai trả lời được câu này là đã hiểu được một mảng lớn của tâm.

Đừng tưởng rằng suy nghĩ làm ta thông minh và không suy nghĩ khiến ta ngu đần. Cũng như đừng tưởng nước phải chảy xiết thì mới có dòng sông, thật ra nhiều khi nước trong trạng thái cực kì yên tĩnh lại có lợi.

Khi tâm động thì tâm là vô minh, là kiết sử, là triền cái, là thói quen xấu, là khổ đau, là ích kỷ hẹp hòi hơn thua… Nhưng khi tâm thanh tịnh thì trở thành bao điều màu nhiệm của cuộc sống này.

Trong nội tâm thanh tịnh đó là trí tuệ thấu rõ rất nhiều điều trên cuộc đời này (giống như mặt nước tĩnh lặng soi được cả đất trời trong đó). Và nội tâm càng thanh tịnh sáng suốt bao nhiêu thì càng hiền thiện đạo đức bấy nhiêu. Vì thế, đừng nghĩ thiền là tịch lặng thụ động, phải hiểu rằng thiền là con đường tĩnh tại mở ra bao điều thiêng liêng màu nhiệm và tràn đầy lợi ích. 

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở: để tu thiền ta cần ba điều.

Thứ nhất là cần phước rất nhiều, nên người tu thiền lúc nào cũng phụng sự, cống hiến, tử tế, giúp đỡ mọi người không tiếc công tiếc sức.

Thứ hai, ta cần đạo đức rất nhiều, vì đạo đức và thiền là một. Người có đạo đức dễ nhiếp tâm trong thiền định hơn.

Thứ ba, ta cần nội lực tiềm tàng trong cơ thể để hỗ trợ thiền định. Nội lực này đạt được bằng cách rèn luyện khí công.

Có thể thấy thế giới văn minh ngày nay đã tìm đến với thiền rất nhiều. Nhiều công ty, bệnh viện, trường học, nhà tù đã đưa thiền vào dạy cho nhân viên, bệnh nhân, học sinh, phạm nhân… vì những lợi ích của thiền trong việc giảm căng thẳng, nâng cao sức khỏe, thanh tịnh tâm hồn, vực dậy đạo đức. Vậy mà trong đạo Phật, bao nhiêu năm qua, chúng ta đã có phần giải đãi khiến cho thiền bị mai một, thật là đáng tiếc và đáng lo.

Vì thế bao năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng, vượt qua bao trở ngại, TT. Thích Chân Quang luôn giảng dạy về Thiền, tổ chức những khóa tu Thiền khắp nơi với ước mong đền ơn Phật, giúp mọi người cảm nhận được một cách trực tiếp sâu sắc về con đường thiền đúng lại từ thời Đức Phật dạy. Từ đó, mọi người thêm nỗ lực, kiên trì trước mọi khó khăn, tiếp tục duy trì việc tu thiền, để hoàn thiện nội tâm, đóng góp năng lượng cho Phật giáo được hưng thịnh, trường tồn.

Ngoài ra, bài Pháp thoại cũng đề cập đến tình trạng số lượng lớn Phật tử đang từ bỏ thiền định, khiến đạo Phật dần trở nên suy yếu. Việc này cho thấy chúng ta chưa đủ ý chí, bản lĩnh, phước báu; chưa thực sự nhận thấy tầm quan trọng của thiền định trong việc diệt trừ vô minh, tịnh hóa nội tâm, dừng mọi vọng tưởng. Nếu thiền định biến mất thì cánh cửa đi đến giác ngộ cũng sẽ đóng lại, ta càng rời xa con đường giải thoát. Xin chắp tay cầu nguyện cho một ngày:

“Ngày sau thế giới

Tìm đến bên nhau

Ngồi thiền bên nhau

Hạnh phúc vô bờ”./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Một số hình ảnh khác:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất