Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápLàm cho Phật Pháp trường tồn

Làm cho Phật Pháp trường tồn

-

Sáng ngày 08/07/2018 (nhằm ngày 25/05/ năm Mậu Tuất), nhân Khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có thời Pháp thoại cho gần 3000 phật tử tham dự với chủ đề LÀM CHO PHẬT PHÁP TRƯỜNG TỒN. Như tiếng chuông ngân đánh thức những lý tưởng bị lãng quên, bài Pháp thoại đã giúp thính chúng tự nhận lấy sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp, duy trì mạng mạch Phật pháp cho muôn đời sau, đặc biệt giữa thời mạc pháp nhiều thử thách này.

Mở đầu, Thượng tọa cho rằng cái chết không phải chuyện xa xôi, và sau khi chết con người đều phải đi theo nghiệp duyên của mình, để lại mọi tiền bạc, tài sản, những tình cảm thương mến của thế gian trong tiếc nuối. Tuy nhiên, người mến đạo tha thiết thì không tiếc những điều đó, chỉ tiếc một điều duy nhất là mình tu chưa chứng, mà bước qua thế giới bên kia có thể tồn tại những luật lệ, nguyên tắc, trở ngại gì đó khiến ta không tu được như ở cõi sống.

Vì vậy chúng ta có hai mơ ước. Thứ nhất là ở cõi bên kia, mình được đến nơi có những vị cao Tăng, những vị Thánh để nương theo đạo tràng của các vị mà tu, có khi trên núi cao, có khi trong rừng thẳm, hang vắng.

Và như thế đã gọi là siêu thoát rồi, chứ đừng nói đến chuyện vãng sanh lên cõi trời, vì muốn sinh Thiên thì cần công đức rất lớn. Mỗi người đánh giá suốt đời mình làm bao nhiêu phước, tạo bao nhiêu tội? Tội không kể hết, còn vài điều phước mình làm trong kiếp này thì khoảng vài năm sau mình hưởng lại rồi, ta không đủ cái phước phi thường đưa mình vượt từ cõi này sang cõi kia. Giống như một người nghèo đói, kiếm ăn từng bữa, gương mặt không đẹp mà trở thành triệu phú, gương mặt quang minh, muốn gì được nấy thì khó vô cùng, vì hai đẳng cấp cách nhau quá xa. Cũng vậy, không dễ từ cõi này chuyển lên cõi trời. Vì thế ước mơ thứ nhất của chúng ta là được vào những đạo tràng tu tập ở cõi bên kia mà thôi.

Và ước mơ thứ hai là sớm tái sinh lại cõi này vào trong gia đình có Phật pháp, sớm được cha mẹ hướng dẫn tu tập, rồi trở lại chùa cầu học với một vị chân sư, tiếp tục tu hành.

Gặp được một vị minh sư là phước duyên vô cùng lớn lao, vì sao vậy, vì trong sự trầm tĩnh như hư vô của vị ấy luôn có sức hút mãnh liệt khiến chúng sinh cảm mến thương kính, đem lòng quy ngưỡng. Còn nếu đó là một bậc Thánh siêu việt thật sự thì xem như trọn trái tim, trọn cuộc đời mình đi theo vị đó, đi theo chánh pháp không chút do dự, không màng danh lợi thế gian, có chết cũng theo, không cưỡng lại được, mà trong kinh Đức Phật gọi là “như được dòng thác nước cuốn”.

Cho nên ước mong thứ hai của chúng ta là khi trở lại với cuộc đời này mình gặp được minh sư, tìm thấy chánh pháp.  

Nhưng ở đâu có sẵn chân sư và chánh pháp cho mình gặp? Có nhân mới có quả. Nếu kiếp này tâm mình không ray rức trăn trở, không làm gì cho Phật pháp trường tồn thì kiếp sau đừng mong gặp chân sư, đừng mong thấy chánh pháp. Vậy nên, ngay trong kiếp sống này chúng ta phải làm gì đó góp phần cho Phật pháp được trường tồn. Thượng tọa cho biết, đó là nội dung chính của bài giảng này.

Phật pháp sẽ trường tồn trong bao lâu? Người đệ tử Phật có tu hành, có yêu kính Phật, có lý tưởng cao tột thì mong Phật pháp tồn tại vĩnh viễn trên thế gian này. Và chúng ta dùng hết sức mình tu hành, hoằng hóa để dựng lại thời chánh pháp, không đổ thừa vì cách Phật đã xa nên mạt pháp phải đến, để rồi buông xuôi nhìn Phật pháp suy tàn nữa.

Nhiều người thắc mắc tại sao chánh pháp thì phải suy hao, vô thường, phải đi đến thời mạt pháp, trong khi tà pháp thì tồn tại mãi?

Phải hiểu rằng, tâm chúng sinh luôn có sẵn vô minh chấp ngã, sẵn tham lam sân hận, tật đố ích kỉ, không cần ai dạy, cho nên tà pháp luôn tự nhiên tồn tại mãi trong cuộc đời, giống như loài cỏ dại vậy. Chỉ khi có bậc Thánh xuất hiện mang chánh pháp đến với trần gian, dạy cho chúng sinh biết tu tập thì chánh pháp mới le lói. Chánh pháp cứ sáng lên một thời gian, cho đến khi những vị minh sư vắng bóng rồi lại suy tàn. Còn tà pháp là điều thường hằng, hiện hữu, có sẵn trong tâm của tất cả chúng sinh.

Và dù khó khăn, ước nguyện của chúng ta vẫn là Phật pháp được tồn tại vĩnh viễn.  Mà Phật pháp đó không phải là cái vỏ hình thức, không phải là những ngôi chùa rỗng không. Phật pháp đó phải là điều gì đó trong tâm chúng sinh – chừng nào chúng sinh còn tin nhân quả, còn hướng về vô ngã, còn cố gắng yêu thương nhau, còn nỗ lực lan truyền chánh pháp thì Phật pháp còn tồn tại. Ngày nào nếu tâm chúng sinh không còn những điều này nữa thì dù trùng trùng điệp điệp chùa tháp vẫn chỉ là hư rỗng.

Nhưng làm sao cho tâm chúng sinh bừng bừng lòng yêu kính Phật pháp? Các vị Tổ hay lấy hình ảnh đốm lửa được truyền từ ngọn đuốc này sang ngọn đuốc khác. Nghĩa là phải có những con người tu hành chân chính, đạo tâm bừng cháy như ánh mặt trời thì mới thắp vào tim của chúng sinh ngọn lửa đạo tâm tiếp nối được.

Theo Thượng tọa, để đạo tâm bừng cháy, chúng ta cần ba phẩm chất:

  • Lòng kính Phật tuyệt đối
  • Trí tuệ hiểu nhân quả sâu sắc
  • Lý tưởng tu hành hướng về vô ngã

Chí nguyện của mình là vô ngã, lòng yêu kính của mình dồn hết về cho đức Phật, và trí tuệ của mình là biết rất rõ nhân quả trong từng đường tơ kẽ tóc. Ba điều này gom lại thì thành đạo tâm, đủ để ta đem đi mồi tiếp cho những tâm hồn khác, để đến khi mình chết đi thì ngọn lửa đó vẫn còn cháy trên đời.

Nên nhớ rằng, độ cho một người quy y cũng chưa phải là xong, chưa phải là công đức phi thường, chưa góp phần giúp chánh pháp tồn tại vĩnh viễn. Quan trọng là ta làm bừng cháy đạo tâm của chúng sinh lên. Nếu ngày nào đó chúng sinh không còn đạo tâm, tức là không tin nhân quả, không yêu kính Phật, chẳng lý tưởng tu hành thì Phật pháp xem như chỉ còn lại cái vỏ hư rỗng mà thôi.

Tuy nhiên thực tế rất khó khăn. Không phải ai cũng hiền lành chờ mình đến thắp lửa cho họ. Ta tìm đến, họ phản kháng chống đối, họ nói bậy bạ, mưu hại đủ điều. Rồi với những người theo đạo khác, thậm chí là tà đạo thì họ cũng không dễ mở trái tim ra với mình. Cho nên, con đường thắp sáng đạo tâm cho chúng sinh theo hạnh nguyện Bồ tát là thiên nan vạn nan.

Đó là cái khó trong tâm chúng sinh, chưa kể đến những âm mưu bên ngoài đang ngày đêm đục phá, làm cho Phật pháp suy tàn mà hầu hết chúng ta đều không thấy.

Ví dụ, có những lời nói xấu không ai kiểm chứng, những câu chuyện giật gân công kích vào đời sống, vào giới hạnh của người xuất gia trong đạo Phật, người ta dựng lên rồi rỉ tai từng người, lâu dần mọi người đều tin rồi lần lượt bỏ chùa. Những đạo tràng tu tập bị phá tan từng ngày mà ta không hay, chỉ vì những kẻ xấu len lỏi vào hết chùa này đến chùa kia, chiếm cảm tình của mọi người rồi bắt đầu nói bậy.

Bây giờ thêm phương tiện là facebook, người ta tha hồ nói bậy. “Mạng xã hội là môi trường hết sức tốt đẹp cho những kẻ nói dối”, định nghĩa này cũng không sai.

Có thể nói, đạo Phật chịu biết bao nhiêu âm mưu phá hoại tinh vi, vì vậy sự giáo hóa của người xuất gia bị cản trở, bị kiềm chế rất nhiều. Nếu không có ý chí phi thường, không có lòng yêu kính Phật cao tột, thiếu tinh tấn và chí nguyện không kiên cố thì chúng ta không đủ sức nhẫn nhục vượt qua.

Đó là nguyên nhân bên ngoài. Còn một nguyên nhân nội tại trong Phật giáo nữa là càng xa Phật thì những người đệ tử Phật lại càng hiểu sai chánh pháp, hậu quả là không thích ứng được với thời đại, và mọi người quay lưng với chùa.  

Hôm nay là thời đại của máy điện toán, máy tính, điều khiển từ xa, nền văn minh ngày nay đã thay đổi cuộc sống và suy nghĩ của con người. Nếu hiểu sai chánh pháp, chúng ta sẽ không bắt kịp thời đại và sẽ bị thời đại bỏ lại đằng sau. Thế giới cứ đi tới, còn ngôi chùa nằm lại đằng sau không ai đến tu tập nữa, đừng nói đến người tìm đến xuất gia kế thừa mạng mạch Phật pháp. Ngôi chùa đứng lạc lõng bơ vơ, buồn tẻ hiu quạnh ở một góc phố nào đó, không còn ai quan tâm.

Ngược lại, nếu hiểu đúng chánh pháp của Phật rồi, chúng ta có nguồn trí tuệ vô biên, cho nên bắt kịp thời đại, thậm chí đi trước thời đại, đoán được thời đại sẽ đi về đâu.

Khi đó, nơi mỗi ngôi chùa sẽ “Ngàn xưa nối với ngàn sau” – ‘ngàn xưa’ là luật nhân quả, là lý tưởng tu hành giác ngộ không bao giờ thay đổi, và ‘ngàn sau’ là sự thích ứng với thời đại. Vì vậy khi chúng sinh tìm đến, họ thấy không bị lạc lõng, lạc hậu, họ thấy mình học được đạo lý cao siêu mà vẫn văn minh tiến bộ.

 Thật sự, ai rồi cũng phải chết, rất nhiều người đã chết trong vô nghĩa và tiếc nuối, còn chúng ta chỉ có một ước vọng là khi tái sinh lại được gặp minh sư và chánh pháp, đặc biệt, nếu tìm thấy một bậc Thánh đắc đạo thì đúng là không còn gì hạnh phúc hơn, sức hút từ vị ấy đủ để ta dành trọn cuộc đời mình cho đạo pháp.

Mà muốn vậy thì từ bây giờ ta phải gieo nhân bằng cách truyền đạo tâm cho rất nhiều người. Ngọn lửa đạo tâm đó gồm ba điều cốt lõi: lòng kính Phật tuyệt đối, tin hiểu sâu nhân quả, tu tập thiền định hướng về vô ngã.

Tóm lại, qua bài Phap thoại, thính chúng hiểu rằng chúng ta rất dễ rơi vào sự thụ động, chỉ tu cho mình mình mà lãng quên chí nguyện hoằng pháp. Cũng như Thượng tọa đã chỉ ra những nguyên nhân, hình thức, cách thức mà các thế lực xấu sử dụng để chống phá đạo Phật, nhằm giúp các phật tử nâng cao cảnh giác. Đồng thời, Người cũng đưa ra những định hướng, chỉ dẫn giúp mọi người có thể đề phòng, đối phó với những âm mưu đó, góp phần bảo vệ Phật pháp.

Thiết nghĩ những lời giảng dạy của Thượng tọa không thừa, chúng ta phải cực kỳ cảnh giác, tỉnh táo để nhận thức những thông tin mình đọc, hoặc nghe, thấy. Mỗi người phật tử chúng ta hãy cùng nhau kêu gọi như vậy. Đó mới là sự thể hiện lòng yêu nước – yêu đạo một cách chân chính và chính mình cũng đang đóng góp cho đạo pháp lớn mạnh bằng một việc làm nhỏ ấy.

Từ đây chúng ta nguyện lòng sẽ dùng cả cuộc đời mình tu tập và thắp lửa đạo tâm cho nhau – đó vừa là bổn phận, sứ mệnh, vừa là lòng hiếu với Đức Phật, mà cũng là cái nhân lành cho mỗi chúng ta. Do đó, mỗi người đệ tử Phật cần có tinh thần hộ pháp tinh tấn và quyết tâm tu tập trên lộ trình giải thoát giác ngộ để góp phần làm cho Phật pháp trường tồn giữa thế gian này./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất