Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang ChủTIN HOTNhững chia sẻ đầy xúc động của GS. Hoàng Chí Bảo về...

Những chia sẻ đầy xúc động của GS. Hoàng Chí Bảo về tân Tiến sĩ Vương Tấn Việt (TT. Thích Chân Quang)

-

Trong buổi lễ tri ân thầy cô giáo trường Đại học Luật Hà Nội và các thầy cô đã giúp đỡ tân tiến sĩ Vương Tấn Việt hoàn thành luận án tiến sĩ vào ngày 3/4/2022 vừa qua, vị Giáo sư khả kính Hoàng Chí Bảo – Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực (người kể chuyện Bác Hồ) đã có những chia sẻ rất xúc động về tân Tiến sĩ Vương Tấn Việt (TT. Thích Chân Quang).

“Tôi được vinh hạnh quen biết TT. Thích Chân Quang như là một nhân duyên của nhà Phật khi tôi nhận được thư mời về chia sẻ với các đệ tử và Phật tử tại chính ngôi chùa mà Thượng Tọa đang trụ trì, nhưng vì dịch bệnh Covid nên chuyến thăm đó vẫn chưa thực hiện được.

Thật vinh dự cho tôi khi được Thầy mời dự lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ. Sau đó, lại nhận được toàn văn công trình nghiên cứu Luận văn được thể hiện rất công phu. Trước đó, tôi cũng đã đọc rất nhiều các tác phẩm của TT. Thích Chân Quang gửi tặng và nghe những bài giảng của Thầy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi cảm nhận được một uy tín thực sự của Thầy trong các Phật tử, cũng như những người như chúng tôi ở ngoài đời đều có thể tiếp nhận được từ những lời chia sẻ, sự đồng cảm rất sâu sắc từ Thầy.

Trong suốt hai ngày nay, chúng ta đều được sống trong tình thương yêu, nhân ái, tin cậy, và rất xúc động trước thành tựu của một vị Tiến sĩ luật học mới đích thực là tài năng của tất cả chúng ta.

Nhân đây, tôi xin phép các Thầy Cô của Trường ĐH Luật để kể một câu chuyện về việc Các Mác đã bảo vệ luận án Tiến sĩ như thế nào như một món quà tặng tinh thần trao cho Thượng tọa:

Như tất cả các quý vị đều biết, sau khi tốt nghiệp Đại học, thì Mác tự mình viết bản Luận án Tiến sĩ Triết học. Thời bấy giờ, nước Đức, nước Phổ không có quy chế hướng dẫn như bây giờ. Và ông đã tự tay viết bản Luận án Tiến sĩ với đề tài thuộc về lịch sử Triết học. Ông chọn một đề tài rất khó đó là “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Démocrite (Đêmôcrit), và Épicure (Êpiquơ).

Ông tự tin đến mức gửi bản luận án của mình đến một Hội đồng bác học danh tiếng của nước Đức thời đó, tức là vào những năm 40 của Thế kỷ XIX. Và thật kỳ diệu chỉ sau 15 ngày, Mác nhận được một phong bì thư lớn trong đó có bằng Tiến sĩ Triết học. Và kèm theo một bức thư của ông Chủ tịch chấm luận án với nội dung vắn tắt như sau: “Bản luận án Tiến sĩ của Ngài (Mác) thực sự xuất sắc và ông xứng đáng được nhận học vị Tiến sĩ. Từ nay trở đi, Tiến sĩ Mác không phải thi thêm bất cứ một môn nào nữa”.

Hiện nay, những học viên cao học, nghiên cứu sinh được học qua môn triết học thì đều biết tư liệu này. Tôi nhắc lại hôm nay ở đây chỉ với một ý nghĩa, là muốn nói đến một người học trò được đào tạo trong một ngôi trường danh tiếng và bây giờ đã có mặt trong đội ngũ các nhà khoa học của chúng ta, đó là Tiến sĩ Vương Tấn Việt.

Tôi cũng tin rằng, các Thầy Cô trường ĐH Luật Hà Nội cũng dành cho Tiến sĩ Vương Tấn Việt một nhận xét là: “Từ nay trở đi Tiến sĩ Vương Tấn Việt không phải thi thêm bất cứ một môn nào nữa”.

Điều mà chúng ta mong đợi đó là những tác phẩm, những công trình mới sau Tiến sĩ của Tiến sĩ Vương Tấn Việt mà hiện nay đang được ấp ủ. Đó sẽ là một phần thưởng tinh thần rất lớn cho chúng ta, những người đã đi vào sự nghiệp này đều trọng chân lý và trọng tri thức.

Tôi cũng muốn nói thêm cảm nhận riêng của tôi về Thầy Vương Tấn Việt (TT. Thích Chân Quang) của chúng ta. Tôi cứ suy nghĩ mãi tên của Thầy cả tên trong cuộc đời và tên Pháp danh. Vương Tấn Việt là một cái tên rất đẹp. “Tấn Việt” nghĩa là chúng ta đang khát vọng phát triển đất nước và tên của Thầy có thể nói như là một biểu tượng tinh thần, trước hết cho bản thân của Thầy, cũng như là một niềm truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, hãy góp phần vào sự phát triển đất nước đó bằng những công việc bình dị nhưng lại rất sâu sắc. Còn tên Pháp danh của Thầy là TT. Thích Chân Quang, “Chân Quang” là chân lý rạng sáng, và điều ấy có thể tìm thấy trong chiều sâu của triết lý nhà Phật, cũng như triết lý của ngoài đời.

Chúng tôi có một cảm giác rằng dường như không còn khoảng cách nữa giữa Đạo và đời, giữa người tu hành với những người trong trần thế này. Vì chúng ta đều gặp nhau ở một đồng cảm sâu sắc, là chỉ muốn đem lại những điều tốt đẹp, có ích cho cuộc sống này. Đây cũng chính là điều mà chúng ta mong đợi từ rất lâu và hướng tới mãi mãi sau này.

Tôi có một may mắn là được dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu và truyền bá về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi có một cảm nhận như thế này, Tiến sĩ Vương Tấn Việt (TT.Thích Chân Quang) của chúng ta mang được những nét hình ảnh rất đẹp của Bác Hồ. Thầy có một gương mặt rất phúc hậu, một khả năng truyền cảm rất tốt đẹp, và sự truyền cảm đó, với những nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh, người ta gọi là Bác Hồ của chúng ta có một biệt tài là thuyết phục, thu phục rồi đến chinh phục cả lòng người nữa. Tôi nghĩ rằng, những nỗ lực trong sự nghiệp tu hành của Thầy và bây giờ lại song hành với sự nghiệp Khoa học nữa, thì chắc chắn Thầy sẽ đem lại những thiện cảm rất tốt đẹp cho chúng ta.

Nhân đây, một lần nữa tôi xin bày tỏ lời cảm ơn Thầy Thích Chân Quang với lời mời tham dự sự kiện hết sức ý nghĩa này. Tôi đã đứng trên bục giảng 50 năm nay. Tôi cũng đã hướng dẫn không biết bao nhiêu Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng tôi chưa bao giờ được cảm nhận trực tiếp một cái lễ tri ân đặc biệt, cảm động, sâu sắc, tình nghĩa như thế này cho các Thầy Cô hướng dẫn.

Trường ĐH Luật tuy tôi không có nhiều thời gian để cộng tác, nhưng cũng đã có một đôi lần, tôi được đến giảng bài, được tiếp cận Thầy giáo, Cô giáo, các thế hệ lãnh đạo khác nhau của trường. Đây là một trường Đại học mà để lại trong tôi những thiện cảm rất là tốt đẹp, các bạn thường xuyên gửi cho tôi tạp chí Luật học của trường. Tôi đọc và biết rằng quy trình biên tập, chọn lọc bài vở để đăng được trên tạp chí của trường này thực sự là một công trình nghiêm túc về mặt khoa học. Cách làm việc ấy cũng có thể nói là gợi cho chúng ta hiểu rằng tại sao gần đây Đảng, Nhà nước ta, nhất là Thủ tướng luôn nhấn mạnh là học thật, thi thật, bằng thật. Còn trong triết lý giáo dục của chúng ta, là phải có thực học để có thực lực và trở thành thực tài. Hiện thân ấy – Tiến sĩ Vương Tấn Việt (TT. Thích Chân Quang) hôm nay chính là một nhân chứng.

Một lần nữa tôi xin chúc mừng thành tựu của Thầy Thích Chân Quang, xin chúc mừng thành tựu của các Thầy Cô hướng dẫn luận án và cũng là thành tựu chung của Trường ĐH Luật Hà Nội của chúng ta. Tình nghĩa Thầy trò thật cao quý và tốt đẹp, vì thế mà có một câu thơ để dành tặng cho nghề nhà giáo như thế này:

“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay

Người ta bảo đó là nghề đẹp nhất

Có một nghề không trồng hoa trên đất

Nhưng nở cho đời muôn vạn đóa hoa tươi

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi.”

Đóa hoa tươi ấy không chỉ là sắc hương của một loài hoa hữu hình cụ thể, đóa hoa tươi ấy chính là chân dung tinh thần của Tiến sĩ Vương Tấn Việt (TT. Thích Chân Quang). Đó cũng chính là kỷ niệm tốt đẹp nhất mà Thầy gửi lại cho mái trường đã có công đào tạo nên Thầy, và đấy cũng là một điều mà tôi rất tự hào khi được quen biết, được chia sẻ cái niềm vui đó của Thầy. Một lần nữa xin chúc sức khỏe, thành tựu đến Thầy và chúc sức khỏe tất cả các vị khách quý cùng quý Phật tử thân mến.”

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất