Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Giác Tánh

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Giác Tánh

-

Nhân Lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm, tối ngày 14/02/năm Đinh Dậu (nhằm ngày 11/03/2017), nhận lời mời của ĐĐ Thích Từ Trí  – Chánh thư ký Ban Trị Sự GHPGVN Q.Tân Bình, Trụ trì chùa Giác Tánh (số 958/65 Lạc Long Quận, P.8, Q.Tân Bình), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quang lâm Bổn tự ban bố Pháp thoại đến toàn thể đạo tràng phật tử về chủ đề TA SỐNG TRONG NHỮNG ĐIỀU KHÔNG BIẾT.

16_16-03-2017

Được biết, Lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm tại chùa Giác Tánh long trọng diễn ra từ ngày 14 – 19/02/Đinh Dậu) với một chương trình bao gồm nhiều nghi lễ tâm linh có ý nghĩa sâu sắc, nhằm gúp các phật tử trưởng dưỡng con đường tâm linh của mình.

Mở đầu chương trình, buổi Pháp thoại có sự tham dự chứng minh của: TT.Thích Nhật Thiện – Trưởng BTS GHPGVN Quận 10; ĐĐ Thích Từ Trí  – Chánh thư ký Ban Trị Sự GHPGVN Q.Tân Bình, cùng Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện quanh vùng, và sự góp mặt của đông đảo phật tử xa gần.

Ý nghĩa của bài Pháp thoại đã gợi mở cho các phật tử thấy kiến thức là vô tận, còn sự hiểu biết của con người rất hạn hẹp. Những sự hiểu biết đó chỉ giúp ta dự đoán được những gì sắp diễn ra trong tương lai. Chỉ có tình yêu với đạo Pháp mới giúp ta đi hết được cuộc đời đầy vô minh này. Từ đó, mọi người biết nuôi dưỡng, củng cố tình yêu của mình với Phật pháp bao la.

13_16-03-2017

Mở đầu buổi nói chuyện, Thượng tọa đã bày tỏ cảm xúc của mình đối với vị trụ trì chùa Giác Tánh. Để có được chánh điện uy nghi như thế này, phải có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, nhưng cốt lõi nhất vẫn là do thầy trụ trì. Việc tiếp quản, tu sửa, xây dựng chùa rất cực nhọc. Tuy nhiên, dù vất vả thế nào Đại đức cũng cố gắng, vì một người Tăng chân chính khi làm điều gì cũng nghĩ đến lợi ích chúng sinh, quên đi bản thân mình.

Nhìn các phật tử về chùa tu học ngày càng đông, Thượng tọa nhận định: Việc tu học gồm hai điều, đó là nội dung và hiệu quả. Nội dung là việc tu học, đạo tâm, đạo lực của các phật tử. Nếu đạo tâm, đạo lực của họ tăng lên từng ngày, rồi họ mến chùa, đến chùa ngày càng đông thì đó là hiệu quả. Thượng tọa hy vọng chùa Giác Tánh sẽ tổ chức được nhiều khóa tu học. Việc làm này tạo tiền đề, sẽ nâng cao được chất lượng, hiệu quả tu học của phật tử, đồng thời cũng đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp của chùa ngày càng đạt nhiều hiệu quả.

14_16-03-2017

Đi vào nội dung bài Pháp, Người phân tích và dùng nhiều ví dụ chứng minh trong đạo Phật nhiều khi chỉ một ý nghĩ cũng thành quả báo, một chút duyên cũng thành những điều kì diệu. Qua đó, khẳng định trên đời, có những điều chúng ta không lường trước, không thấu rõ hết được, và cái “không biết” này được gọi là “vô minh”. Cho nên, ý Pháp được làm điểm nhấn trong bài Pháp thoại này, Thượng tọa chia sẻ về việc ta sống trong những điều không biết là như thế nào.

Con người trong thời đại này có thể học rất nhiều, bằng cấp cao, cập nhật tin tức từng giờ, từng phút qua báo đài, mạng xã hội. Tuy nhiên, đó có phải là cái “biết” không? Không, chỉ là kiến thức.

Dựa vào kiến thức ta có thể tạm dự đoán tương lai, tuy nhiên không bao giờ ta biết chắc chắc ai sẽ bước vào cuộc đời mình, điều may mắn hay xui rủi bất ngờ gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình trong ngày mai, thậm chí trong vài phút tới. Cái không chắc, không biết này đều được gọi là “vô minh” cả. Do đó đừng ai tự hào rằng mình biết nhiều. Ngay như nhà bác học nổi tiếng Newton – người đã mở ra cuộc cách mạng lớn về vật lí với việc phát hiện ra rất nhiều quy luật cũng phải thừa nhận rằng: “điều ta biết chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương”. Vậy nên, ta phải biết khiêm tốn để sống, để tu.

17_16-03-2017

Vì lẽ đó, ai mà có cảm giác mình biết nhiều thì đó là cái lỗi, cái sai lầm đầu tiên trong tâm khiến ta không còn đường để đi tới. Nguyên tắc này đúng với tất cả mọi người. Chẳng hạn, một ca sĩ cho mình hát hay thì con đường ca hát bắt đầu đóng lại. Một giảng sư cho mình giảng hay thì sự nghiệp thuyết giảng cũng từ từ khép lại. Một phật tử nghĩ mình đã chứng thì không bao giờ có thể tiến tu. Những điều mà ta có sở trường, có ưu thế thật ra lại là mầm họa vì chúng hay mang lại sự tự kiêu và chủ quan.

Ngay người xuất gia cả một đời tu học cũng đừng bao giờ nói rằng mình đã thông suốt hết đạo lý. Bởi sau khi mất, nếu được duyên phước tái sinh lên cõi trời để tu học tiếp, chúng ta sẽ được nghe các vị Bồ tát trên thiên giới thuyết giảng, mở ra một chân trời đạo lý vượt ngoài sức tưởng tượng con người ở cõi này. Lúc đó mới hay rằng mấy mươi năm tu học dưới cõi người tưởng như rất nhiều, nhưng thật sự chỉ là một hạt bụi nhỏ so với nguồn đạo lý vô tận từ các vị Bồ tát.

Vậy mới thấy ta đang sống từng ngày, từng giờ trong những điều mà ta không biết. Trong đó có thể kể đến lòng người. Dù chúng ta có cười vui, có đối xử tử tế với nhau thì thật sự ta cũng không biết rõ tâm nhau. Người xưa từng nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm” cũng bởi vì vậy. Hơn nữa, trong con người thì có tốt có xấu, nhưng thường ai cũng “tốt khoe xấu che”, tức là những gì người ta bộc lộ, thể hiện ra thường là cái tốt, còn cái xấu thì giấu lại. Hiểu điều này rồi chúng ta đừng ngạc nhiên trước sự thay lòng đổi dạ của con người. Thật ra họ không thay đổi, chỉ là cái tệ, cái xấu mới vừa được bộc lộ ra thôi. Nên dù sống với nhau trong bao nhiêu năm ta cũng không biết hết được lòng nhau. Thế giới này không phải là nơi bình yên, nơi đáng tin cậy để chúng ta nương tựa mãi mãi cũng bởi vì vậy.

15_16-03-2017

Bên cạnh lòng người, còn có rất nhiều điều nữa mà ta không biết, ví dụ như nghiệp quả. Với chính mình, ta không biết được kiếp trước mình đã tạo những hạnh nghiệp gì, kiếp sau sẽ như thế nào. Cũng vậy, nhìn vào người khác ta cũng không biết được nghiệp quả của họ. Ta không biết về quá khứ, cũng chẳng rõ vị lai. Đường đi của nhân quả là vô cùng kì lạ, phức tạp, không ai hiểu hết, ngoại trừ chư Phật, chư Bồ tát, các vị A La Hán. Còn lại tất cả chúng ta chỉ dùng một từ là “vô minh” mà thôi.

Rõ ràng, đi trong cuộc sống này, có rất nhiều điều mà chúng ta không biết. Đây là lí do mà bao nhiêu nghìn năm trôi qua, các vị Thánh cứ phải xuất hiện để cứu rỗi ta khỏi trầm luân, đau khổ.

Theo Thượng tọa, ngoài những bậc Thánh trong đạo Phật thì có những bậc Thánh như Khổng Tử, lời dạy của Ngài cực kì sắc bén, đáng để ta học và suy ngẫm mãi. Lâu lâu, lại có những vị như các Ngài xuất hiện làm cuộc đời này thêm ấm áp.

21_16-03-2017

Hoặc chúng ta không biết rõ điều gì là đúng, điều gì là sai. Ngoại trừ những bậc Thánh cao siêu, còn lại phàm phu đều bị nhầm lẫn giữa đúng và sai. Dù ta có biết chút ít đạo lý, có hiểu nhân quả thì cái hiểu đó cũng rất cạn, nên sự phân định tội phước rất mơ hồ, mờ nhạt, không rõ ràng. Vì vậy, trong cuộc đời mình, đã có những lúc ta sơ ý tạo nghiệp mà mình không hay. Ví dụ có người siêng tụng kinh, mang sách vở tặng học trò nghèo nhưng kiếp sau vẫn u tối không học giỏi lên được. Đâu ngờ rằng chỉ vì đời trước người đó đã từng âm thầm chê người khác là đồ hà tiện, ngu dốt, thất học, giai cấp thấp. Cứ nhiều lần như vậy, từng ý nghĩ xem thường người khác sẽ phá tan hết cái phước về trí tuệ.

Thêm một điều mà ta không biết nữa là sự tồn tại của các vong linh. Thế giới của các vong linh thì ở ngay bên cạnh ta và cực kì phức tạp, lắm khi họ đã có sự tác động vào thế giới loài người. Do chịu sự tác động ngầm đó, nhiều khi chúng ta làm nhiều việc sai trái, hay gặp phải những chuyện không hay như có những đoạn đường thường xảy ra tai nạn. Và người ta loay hoay thử nhiều biện pháp nhưng tai nạn vẫn không giảm, chỉ bởi vì đã không biết được yếu tố tâm linh bí mật ở đằng sau. Nếu hiểu được điều này, ta thỉnh quý Tăng Ni đến cầu siêu thì có khi nhiều năm sau đoạn đường đó yên. Khi xử lý đúng gốc rồi thì không còn tai nạn hay ốm đau nữa.

22_16-03-2017

Hiểu đúng về thế giới tâm linh sẽ giúp ta sống tốt hơn, tuy nhiên đa phần chúng ta không thấy, không hiểu. Trên thế giới, chỉ Phật giáo mới có sự quan tâm đến các vong linh qua các nghi thức cúng thí thực, cầu siêu chẩn tế.

Và không chỉ các vong linh mà thần thánh trên cao cũng tác động vào tâm hồn, vào cuộc đời của con người. Nếu các vong linh tác động vào ta theo kiểu lặt vặt vì họ cũng là chúng sinh, là phàm phu, thì Chư thiên, Bồ tát, những vị có uy đức lại tác động vào cuộc đời ta theo kiểu khác. Tuy nhiên, dù tác động theo kiểu nào thì ta cũng không thể thấy được. Ví dụ một ngôi chùa có hưng thịnh, có nhiều phật tử đến hay không đều có sự tác động, sắp xếp của thần thánh trên cao.

Đặt trường hợp người trong chùa có dùng đến những phương pháp, thủ thuật nào đó lôi kéo mọi người đến thì cũng chỉ được một thời gian rồi lại tan vỡ, nếu không hợp lòng thần thánh. Do đó bổn phận người xuất gia là tu hành cho tinh tấn, cho chân chính. Chúng ta yên tâm rằng mọi việc tốt ta làm đều có sự chứng minh của các Ngài, bởi giữa ta và các bậc Thánh đều có sự kết nối. Thế nên, tự nhiên phật tử sẽ vui vẻ, tình nguyện tìm đến chùa dần dần. Với cá nhân mỗi phật tử cũng thế, khi đã lễ Phật, Quy y Tam bảo rồi, ta đều nằm trong sự quản lý, coi ngó, nhắc nhở của chư Thiên… Như vậy, rõ ràng chúng ta sống trong những điều không biết, nên cứ khiêm tốn mà sống mà tu, đừng bao giờ tự cao.

23_16-03-2017

Lại nữa, có những khi vì không biết, chúng ta đã xử sự bình thường, còn những vị Thánh vì biết nên đã xử sự “bất thường”. Nghe rất lạ. Chẳng hạn, thuở xưa có câu chuyện, trong cơn mưa gió có một phụ nữ mang thai tìm đến ngôi chùa xin tá túc để sinh nở, và vị Sư trụ trì đã đồng ý ngay. Đó là cách xử sự khác thường vì sẽ gây ra tai tiếng không tốt cho ngôi chùa, dễ làm mọi người hiểu lầm. Kể cả đệ tử trong chùa cũng rất thắc mắc, không ai hiểu nổi quyết định của Thầy mình. Chỉ vị Sư trụ trì mới biết người phụ nữ đó đã mang đến đến cho mình một đệ tử là thiên tử tương lai, đó là Vua Lý Thái Tổ.

Như vậy, vì “không biết” mà ta dựa vào luật pháp, tập quán, phong tục, giao ước, những luật lệ của làng của xóm, … tức là những chuẩn mực bình thường để cư xử với nhau. Còn bậc Thánh vì nhìn được quá khứ, vì thấu suốt vị lai, nên đôi khi các vị đã xử sự hơi bất thường, ta rất khó đánh giá, thậm chí còn buông lời khinh chê các vị, đâu ngờ rằng mình vừa gây cái nghiệp rất nặng là xúc phạm bậc Thánh, dù chỉ bằng ý nghĩ chê bai thầm thầm trong tâm. Đó cũng là một cái vô minh của con người. Giữa cuộc đời Thánh – phàm lẫn lộn này, ta không biết ai là Thánh, ai là phàm, và nhiều khi ta đã xúc phạm nhằm bậc Thánh.

25_16-03-2017

Trong thời đại văn minh, khoa học tiến bộ, mạng xã hội phát triển thì ta càng dễ mắc tội. Đơn giản chỉ là một cái comment, viết theo ý mình cho vui thôi, nhưng cũng tạo thành nhân quả. Ví dụ khen điều không đáng khen, chê người không đáng chê đều tạo thành tội. Nhưng vì còn là phàm phu, còn vô minh nên ta tưởng mình đã biết hết mọi điều trên đời, cứ thoải mái phát ngôn, chỉ trích. Đâu ngờ rằng dù một dòng bình luận trên mạng cũng đã tác động vào thế giới, làm người đọc bị ảnh hưởng, dao động. Vì thế, đều cấu thành tội nghiệp cho chính mình. Mà do đâu ta bình luận bừa bãi, không chín chắn, không cẩn thận? Vì ta chủ quan, kiêu ngạo và hung dữ.

Đó là chưa kể những kẻ được điều khiển bởi các tổ chức bí mật, khi tổ chức này muốn gây ra dư luận thì sẽ có vài trăm, vài nghìn comment cùng kêu gọi, cùng công kích, chửi rủa trên mạng. Chúng ta cứ tưởng điều họ nói là thật, ta tin theo, và suy nghĩ của xã hội thay đổi luôn, rất nguy hiểm. Vì vậy, hãy cẩn thận với những điều ta đọc được trên mạng. Rất nhiều tổ chức, cá nhân đang lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo con người vào những hành động đen tối, phá rối trật tự xã hội cũng như niềm tin của mọi người đối với Phật giáo.

27_16-03-2017

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở: Khi ta nhận một thông tin trên mạng, đầu tiên phải nhớ đó là ý kiến chủ quan của một người phàm, vẫn còn vô minh nên đừng vội tin. Thứ hai, những điều đó có thể là do âm mưu của những tổ chức xấu, họ cố tình tạo ra và lèo lái mọi người tin theo. Tin theo rồi chúng ta tan vỡ lòng yêu nước, tan vỡ đạo tâm, tan vỡ đạo đức, mất đi lý tưởng sống cao thượng… rất  uổng phí.

Là một người con đất Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, chúng ta sẵn sàng cống hiến cả mạng sống khi Tổ quốc cần. Ta đừng ngại gian khó, hy sinh, đừng để ý chí bị lung lay bởi những lời xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thiết nghĩ, tại sao Nhật Bản có thể trở thành một siêu cường quốc khi phải hứng chịu thiệt hại từ chiến tranh, từ hai quả bom nguyên tử lịch sử, từ những trận thiên tai tưởng chừng không thể gượng dậy,… Nhưng hôm nay ta thấy, Nhật Bản vẫn đứng lên hiên ngang khiến cả thế giới phải nể phục, nghiêng mình. Vì sao?

Đó là do người dân Nhật dám hi sinh, dám cống hiến, dám chấp nhận thiệt thòi, không so đo hơn thua, biết đặt quyền lợi của đất nước lên đầu. Nước ta muốn phát triển thì dân ta phải học hỏi những đức tính đó từ người Nhật.

26_16-03-2017

Đạo Phật cũng vậy. Phật pháp là mạch chảy tâm linh cho cả dân tộc này. Đạo pháp hưng thịnh thì đạo đức mới hưng thịnh. Đất nước mà có đạo đức hưng thịnh thì mới vượt lên hùng cường, tiến bộ.

Đạo đức không chỉ là đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước, nó còn là nền tảng của xã hội, là cơ sở để hình thành luật pháp. Nguồn đạo đức vô tận được nuôi nấng, ấp ủ từ đạo Phật của ta.

Đạo Phật có hai nguồn tạo ra đạo đức cho cộng đồng, cho xã hội: một là luật nhân quả, hai là mục tiêu vô ngã. Những nguồn này tạo thành mạch sống tâm linh chảy dài theo dân tộc ta. Vậy nên, nếu yêu thương đất nước này thì ta không thể không yêu thương đạo pháp và ngược lại. Hai tình yêu thương này hòa quyện lại trong tâm hồn người đệ tử Phật. Và người có tình yêu vĩ đại là tình yêu đạo pháp và dân tộc thì dám chết vì chánh nghĩa. Đó là quan điểm sống cao thượng, và chúng ta phải giữ nó, không chỉ để đi suốt cuộc đời này mà còn để đi trong vô lượng kiếp luân hồi cho đến ngày ta đắc đạo giải thoát mới thôi. Ngày nào còn sống trên đời thì tình yêu đối với con người, đối với đạo pháp là tất cả.

28_16-03-2017

Nhưng trên mạng xã hội có những bài viết, thậm chí có những dòng bình luận lung tung cũng làm chúng ta giao động, chao đảo, mất đi quan điểm sống cao thượng mà bao nhiêu năm tu hành mới thành tựu được, rất phí phạm. Đó là lý do mà chúng ta phải rất cẩn thận. Từ đây hãy giữ cho kĩ lập trường đối với đạo pháp, với đạo đức.

Nói chung, sống trên đời ta tưởng mình đã biết nhiều, nhưng thật sự là chưa biết gì cả. Ta sống trên điều gì đó hoang mang, mờ mịt, mò mẫm. Người sống bên cạnh mình mấy chục năm, mình cũng không biết rõ lòng họ; năm phút sau chuyện gì sẽ xảy ra ta cũng không chắc; rồi thế giới vô hình ngay chung quanh mình ta cũng không hay;…. Rất nhiều điều khác ta đều không biết gì. Tuy nhiên, có một điều ta cần phải biết và giữ, đó là đạo lí.

Ta phải sống theo đạo lí dù đôi khi, những ứng xử trong đời thường vẫn còn nhiều sai lầm. Rồi cái đạo lí của Phật sẽ dạy cho ta tình yêu lớn lao đối với quê hương, đất nước, nhân loại. Sau đó, tình yêu đó lại quay về với đạo Pháp. Bằng mọi cách, ta phải giữ được tình yêu đó để đi trong thế giới vẫn còn vô minh này.

36_16-03-2017

Tóm lại, với những kiến thức, đạo lí Phật pháp phức tạp đã trở nên dễ hiểu khi được Thượng tọa dẫn dắt bằng ngôn từ giản dị, kết hợp với nhiều câu chuyện Phật giáo, nhiều ví dụ đời thường. Qua đó, việc học đạo lí của các phật tử bỗng đơn giản hơn bao giờ hết. Nhờ đó, mọi người biết mình còn vô minh, còn nhỏ bé trong thế giới bao la này. Từ đây, mọi người biết khiêm tốn để tu học, để yêu thương, để nuôi dưỡng tình yêu của mình với đạo Pháp, dân tộc và đi đến mục tiêu vô ngã cuối cùng.

Đồng thời, bài Pháp thoại cũng gửi một thông điệp rằng: Sự hiểu biết của con người rất hạn hẹp, chỉ có khiêm tốn để học hỏi không ngừng thì ta mới bắt kịp thời đại, không bị tụt lại phía sau. Chúng ta không biết điều gì sẽ đến trong tương lai, nhưng nếu biết cố gắng phấn đấu, cố gắng yêu thương mọi người, cố gắng tu học thì ta có thể đi trong vô minh một cách vững vàng./.

Tuệ Đăng

Một số hình ảnh khác tại chùa Giác Tánh:

2_16-03-2017 4_16-03-20175_16-03-20176_16-03-201753_16-03-20178_16-03-201711_16-03-2017 10_16-03-201746_16-03-2017 44_16-03-2017 42_16-03-2017 40_16-03-2017 39_16-03-2017 37_16-03-2017 36_16-03-2017 34_16-03-2017 33_16-03-2017 32_16-03-2017 30_16-03-2017 29_16-03-2017 28_16-03-2017 27_16-03-2017 26_16-03-2017 25_16-03-2017 24_16-03-2017 23_16-03-2017 22_16-03-2017 21_16-03-201720_16-03-201718_16-03-201751_16-03-2017 50_16-03-2017 48_16-03-2017 47_16-03-2017

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất